NGUỒN GỐC CỦA VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO
NGUỒN GỐC CỦA VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO
VẬT TỔ VÀ CẤM KỴ
(In lần thứ 2)
Tác giả: SIGMUND FREUD
LƯƠNG VĂN KẾ dịch
LỜI GIỚI THIỆU
Tên tuổi của Sigmund Freud (1856 - 1939) thật ra không xa lạ với
giới nghiên cứu Việt Nam trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
như triết học, văn học, tâm lý học, nghệ thuật học v.v... từ mấy chục năm
nay. Tuy nhiên, dấu ấn để lại khi đề cập đến Freud thường là mang tính phê
phán, đôi khi là sự áp đặt khiên cưỡng ý kiến của người khác. Phải đến mấy
năm gần đây, một số nghiên cứu tương đối có hệ thống về các công trình
phân tâm học của ông mới được giới thiệu trên báo chí, và thậm chí đã có
một vài bản dịch của các học giả nghiên cứu về Freud. Có thể kể đến công
trình của Trần Đức Thảo Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (1996, do
Đoàn Văn Chúc dịch từ tiếng Pháp, Đỗ Lai Thúy giới thiệu), cuốn Freud đã
thực sự nói gì của nhà phân tâm học Anh David Stafforf-Clark (1998,
Nguyễn Khắc Viện viết lời giới thiệu, Huyền Giang dịch). Tuy nhiên, các
tác phẩm quan trọng của Freud rất tiếc vẫn chưa có điều kiện ra mắt độc giả
Việt Nam, ví dụ Giải mộng Traumdeutung) xuất bản năm 1899 cách đây
vừa tròn 100 năm - công trình nền tảng thể hiện tài năng xuất chúng của
ông trong giải thuyết về thế giới vô thức của con người.
Cống hiến của Freud thật đa dạng, hay nói cho đúng hơn, học thuyết
của ông có khả năng vận dụng thật sự rộng lớn, trước hết là trên các lĩnh
vực văn hoá và nghiên cứu thế giới tinh thần của con người, và nó có sức
hấp dẫn kì lạ. Dù còn có nhiều ý kiến khác nhau về tầm cỡ cống hiến của