Họ bỏ nước đi sang Lào để thành người Khả chăng? Cũng không, vì nếu
thế thì tại sao người Tàu ở lưu vực sông Hồng Hà lại dùng ngôn ngữ của
thứ dân chạy trốn đó? Họ hãnh diện về nền văn minh của họ trong đó ngôn
ngữ là yếu tố quan trọng thì tại sao họ lại bỏ ngôn ngữ Tàu, dùng ngôn ngữ
Lạc Việt?
Còn nói tiếng Việt hiện nay đích thị là tiếng Tàu như giáo sư đại học
Nguyễn Phương đã nói thì chương Ngôn ngữ trong sách nầy đã bác bỏ quá
dễ dàng và bất kỳ người thường nào cũng bác bỏ được chớ không cần tới
một nhà khảo cứu nào hết.
Như đã nói, khoa chủng tộc học đã biết hết các chủng có biệt sắc rõ rệt
trên thế giới, nhưng không hề biết chủng Đồi Mồi.
Nhưng vẫn không gọi họ là một chủng cũng không được vì họ không
phải là dân mắc bịnh thiếu sắc tố của nhóm nào như Tân Đường Thư đã nói,
mà là một dân tộc sống trong nước cổ Phù Nam, dân tộc ấy có nhỏ bao
nhiêu, cũng cứ là một dân tộc, vì toàn dân đều như vậy hết.
Nếu cho rằng vì khí hậu và thực phẩm đặc biệt của một địa bàn nhỏ ở
Phù Nam làm cho họ mắc bịnh, chớ họ cũng chỉ là một chủng thường nào
đó, chớ không có riêng biệt gì hết, nhưng sao địa bàn núi rừng Ai Lao, khác
xa với địa bàn Phù Nam, cũng làm cho họ mắc bịnh y hệt như vậy?
Đây là một điểm mù mờ mà khoa chủng tộc học còn chưa triệt thấu!
Ngày nào đó, họ dụ dỗ được một người Đồi Mồi về thế giới văn minh để
mà nghiên cứu thì chừng ấy mới rõ trắng đen.
Dầu sao vụ Đồi Mồi cũng nói rõ to lên rằng không thể diệt chủng được.
Đồi Mồi chưa chắc là một chủng, mà chỉ là một dân tộc nhỏ xíu, thế mà từ
đầu Tây lịch đến nay, họ cứ tồn tại, còn người Lạc Việt biến đi đâu?