Về thời mà hai dân tộc đồng chủng hợp tác với nhau, ta chỉ biết có một
điều là trong ngôn ngữ Mã Lai Nam Dương có danh từ hái (Tuái) mà không
có danh từ A và Liềm.
Lại có câu ca dao: “Một lưỡi A, bằng ba lưỡi hái”. Thế thì vua Hùng
Vương hơn bọn bổ sung rõ rệt, nhờ thế mà ông cứ vững ngôi, không như ở
Nhựt Bổn và Chiêm Thành mà bọn đợt II nuốt mất bọn đợt I.
Tuy nhiên tiền sử học, riêng ở Việt Nam không hoàn toàn mù tịt về đời
sống tinh thần của tổ tiên ta. Ta đã biết có tôn giáo vật bái chỉ còn phải
tranh luận với nhau về con chim hay về con nai nữa mà thôi.
Bốn người giao cấu quanh mặt trời ở bình đồng Đào Thịnh cũng đã cho
chúng tôi nối kết được với đồng bóng, tăng lữ của tôn giáo thờ Trời (chớ
không phải mặt trời, mặt trời chỉ là hình tượng chỉ ông trời mà thôi).
Khoa kiến trúc về cái đình hiện kim của ta cho ta nối kết cái Thần Xã của
Mã Lai Nhựt Bổn và cái Rong của đồng bào Thượng và cái Kêramat của
người Nam Dương, tức tôn giáo thờ thần làng (mà có người gọi lầm là thần
thành hoàng).
Nhưng tưởng cất nhà, cần đào móng, dựng cột rồi mới đóng vách lợp
ngói sau. Cái chủng là nền móng, những gì khác đều là vách mái. Đành
rằng cái nhà phải toàn vẹn mới tốt đẹp, nhưng có nền móng vẫn hơn là nóc
mái. Muôn ngàn nỗ lực để phanh phui ca dao, ngôn ngữ, cổ tích cũng không
bao giờ cho ta biết nguồn gốc của dân tộc Việt Nam thật đúng.