và dân Miêu, không phải chỉ vì ba thứ dân ấy hiện tồn tại, mà vì các cổ thư
Tàu có cho chút ít chi tiết để truy nguyên ra họ.
Ta không biết Bổ Toại, Hoan Mâu, Cung Công là nước, là thủ lãnh hay là
dân và là dân nào, vì sách Tàu mỗi sách mỗi nói khác nhau. Thí dụ Bổ Toại
có khi được gọi là nước, có khi được gọi là hậu, tức thủ lãnh một chư hầu
nhỏ, có khi được gọi là dân, có khi được xem là một nhơn vật và không còn
chi tiết nào nữa hết.
Nhưng ta bỏ qua ba thứ dân ấy được, bởi khi mà các cổ thư Trung Hoa
không có chi tiết nào khác là vì dân ấy quá ít, không phải là một dân tộc lớn
đáng kể. Bổ Toại thì còn có thể đổ thừa rằng vì quá lâu đời (đời Thần Nông)
chớ Cung Công thì tương đối mới đây thôi (đời nhà Hạ). Sử Tàu biết về đời
Hạ rất nhiều mà không nói rõ về Cung Công, tức Cung Công chỉ là một dân
tộc không làm chủ được bao nhiêu đất.
Cái ông Cung Công nầy thật là một người Việt của Kim Dung.
Thuở xưa theo các ông Tàu thì đất Tàu vuông, trời Tàu tròn và nóc được
bốn cây cột chống đỡ.
Nhưng ở Tây Bắc, Cung Công nắm cây cột mà lay nên cột gãy, làm cho
trời sập ở Tây Bắc cho đến ngày nay, tức đến đời vua Võ, kẻ hạ sát Cung
Công.
Vì trời sập ở đó nên trời ở đó thấp còn đất thì cao lên (?) trong khi đó đất
hướng đông dĩ nhiên thấp xuống.
“Bằng chứng” (?) là bao nhiêu sông của Tàu đều chảy ra hướng đông,
còn trăng sao và mặt trời thì trôi ngược lại từ Đông sang Tây.
Ấy, đó là một nhơn vật tương đối hơi mới vì Cung Công chỉ mới bị vua
Võ hạ, tức vào đầu đời Hạ mà thôi.