Nhưng cũng nên biết rằng giáo sư chỉ nói đến một thứ Việt mù mờ nào
đó, chớ không phải là dân ta. Nhưng rồi sau đó hình như giáo sư lại nối kết
Việt mù mờ đó và dân ta một cách rất rõ ràng minh bạch. Vậy thì dân ta
phải có chữ, trước khi học chữ của Tàu. Nhưng văn tự đó ở đâu? Sao không
thấy giáo sư làm bản kẽm in ra xem thử ra sao?
Mộng Văn Thông cũng chỉ nói phất phơ vậy thôi vì kẻ không có chứng
tích không bao giờ dám to tiếng quả quyết cái gì hết. Nhưng giáo sư Kim
Định phát triển mạnh mẽ những điều đó ra, và cho rằng cái gì của Tàu cũng
do ta sáng lập ra cả, mà ở tận Hoa Bắc lận kia.
Giành giật nền văn minh Đông Sơn thì không sao, chớ giành luôn Hồng
Phạm, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh nào cũng dân Việt
làm ra hết thì người Tàu sẽ buồn cười lắm.
Họ không cãi đâu, mà chỉ cười thôi.
Còn nhớ cách đây mười năm, nhân ngày lễ Hai Bà Trưng, tờ báo Tàu
Phụ nữ của ông Lý Thu trong Chợ Lớn in hình một cô “Mọi” Cao nguyên
to tướng ngay trong bài đó.
Tờ báo bị đóng cửa, dĩ nhiên là như vậy.
Nhưng như thế đủ biết “người anh em đồng bào còn ở lại bên Tàu” để
tiếp tục cái văn minh mà Việt đã lập ra bên ấy (theo giáo sư Kim Định),
“người anh em” đó nghĩ thế nào về Hai Bà Trưng của ta?
Họ nghĩ gần đúng vì quả hình người khắc ở trống Đông Sơn ăn mặc gần
giống như người Thượng ngày nay. Nhưng vua Vũ, Khổng Tử, sống trước
Hai Bà Trưng quá xa, sống trước vua Hùng Vương cũng quá xa, sau khi ta
di cư, ta không mang theo món gì của vua Vũ hết cả, mà chỉ có cái lưỡi rìu
có tay cầm mà vua Vũ không bao giờ có?