Đành thế. Nhưng một vài cá nhân lọt sổ, ở lại hợp tác và thành trí thức
Tàu, khác xa sự kiện toàn dân Việt ở lại để dạy Tàu văn minh của họ.
Người Việt thành trí thức Tàu quả có thực và chúng tôi thấy rằng 9 bài
Cửu Ca của Sở Từ là do một người Việt viết ra, và cả sử Tàu cũng xác nhận
là tướng Giám Lộc, kẻ phát minh ra canal à écluses, là người Việt.
Nhưng vẫn cứ là vài cá nhân lẻ tẻ, không hề có cuộc sống chung hòa
bình, hoặc chinh chiến giằng co lâu năm tại Hoa Bắc mà bằng chứng không
thể chối cãi là khoa khảo tiền sử tìm được dấu vết Cửu Lê tại Đại Hàn,
nhưng dấu vết đó tuyệt đối vắng bóng tại Hoa Bắc.
Giáo sư Kim Định cho rằng Khổng Tử là người Việt, và là Việt gian, vì
hợp tác với Chu (Tàu du mục), nhưng Việt gian đáng được tha thứ.
Nhưng trong chương Bất tương đồng Hoa Việt, ở tiểu mục Bí mật phòng
trung, chúng tôi đã cho thấy những dị biệt giữa Tàu và Việt. Mẹ Khổng Tử
đã “lâm bồn”, trong khi đó thì phụ nữ Việt từ cổ chí kim không hề có nhóm
nào “lâm bồn” cả. Vậy Khổng Tử là Tàu hay Việt?
Giáo sư quả quyết rằng có quen với một người Việt, người ấy cha truyền
con nối, còn nhớ văn tự của dân Việt thời Nghiêu Thuấn.
Nhưng sao trên trống đồng Lạc Việt không thấy có khắc chữ gì hết, trừ
loại trống sau cùng có khắc chữ… Tàu?
Nếu dân Lạc Việt không thích khắc chữ trên trống thì cứ không thích
hoài chớ sao trước không thích mà sau lại chịu ảnh hưởng Tàu, rồi mới
thích khắc chữ là thế nào?
Chúng tôi cố tìm xem có những nét nào giống gần hay giống xa gì với
văn tự của người Mường hay không, và tuyệt đối không thấy. Thế nghĩa là
văn tự của người Mường cũng chỉ mới có đây thôi, không biết vào thời nào,
nhưng chắc chắn là sau thời Thượng Hiệt.