Nghiên cứu hình khắc ở các cổ vật đó, và kiến trúc của ngôi nhà đào
được, biết rõ tánh cách của nó, người ta kết luận rằng người chết chôn dưới
mồ thuộc một chủng tộc mà danh xưng khá bí hiểm đối với người Việt,
danh xưng đó là danh xưng Indonésien.
*
* *
Các nhà bác học vẫn tiếp tục gọi họ là người Anh-Đô-Nê-Diêng, nền văn
minh của họ là nền văn minh Đông Sơn, mặc dầu nhiều dân tộc khác cũng
có cổ vật cùng tách cách, trong một địa bàn rất lớn ở Đông Nam Á, từ Hoa
Nam, cho tới Nam Dương quần đảo. Nếu đó là duy vật Việt Nam đi chăng
nữa thì nền văn minh đó không riêng gì là của Việt Nam.
Vì đó là công việc khoa học, mà khoa học thì phải chính xác, mà một yếu
tố chính xác là sự chính danh, thành thử các nhà bác học đó bắt buộc phải
dùng một thuật ngữ quá chuyên môn là danh xưng Anh-Đô-Nê-Diêng.
Anh-Đô-Nê-Diêng, một thuật ngữ của khoa chủng tộc học (raciologie)
chỉ có nghĩa là Cổ Mã Lai, chớ không có gì lạ. Là nhà chuyên môn, các nhà
bác học ấy phải dùng danh từ chuyên môn, mặc dầu đã có danh từ thường.
Danh từ thường là Proto-Malais.
(Quyển sách nhỏ nầy có tham vọng là sách chuyên môn, nhưng chúng tôi
dùng danh từ thường là Cổ Mã Lai, chớ không nói Anh-Đô-Nê-Diêng là
một danh từ mà đại đa số dân ta chưa quen). Danh xưng Anh-Đô-Nê-Diêng
được chúng tôi dịch ra là Cổ Mã Lai, chớ nhiều học giả khác còn dịch khác
nữa, chẳng hạn ông Phạm Việt Châu dịch là Cựu Mã Lai, có ông khác lại
dịch là Tiền Mã Lai. (Sau sẽ có thống nhứt, và Cổ hay Cựu, hay Tiền gì,
còn tùy ở đa số nhà chuyên môn).