Không có lấy một danh từ, động từ nào mà là danh từ, động từ của chủng
Viêm, hay chủng Hoa trong đó hết. Toàn là tiếng Mã Lai.
Và điều chắc chắn hơn hết là ông không biết Mã Lai chủng phát tích tại
đâu, nên tưởng rằng nó phát tích tại Mã Lai Á (Malaisie) nên khuyên ta
đừng tìm nguồn gốc dân tộc ở phương Nam. Nó đã tự xưng là Mã Lai cách
đây 5 ngàn năm tại Hoa Bắc và Ấn Độ, được Tàu phiên âm là Ló (Lạc)
nhưng với bộ Mã, tức Mạ Ló, còn Aryen thì phiên âm là Mlech’a.
Ông bảo bọn cựu học quá tin vào truyền thuyết, còn tân học không tin gì
cả. Ông sẽ thấy rằng bọn tân học tin toán học và về thượng cổ sử Việt Nam,
họ sẽ viết đúng 2 + 2 = 4, y như toán học, chớ không ghép đủ thứ tài liệu
hỗn loạn để mà đoán mò.
Nhưng bọn nghiên cứu nền văn minh Đông Sơn bị ông mắng thật là đáng
đời, đã bảo nguồn gốc của một dân tộc không làm sao mà nằm tại giai đoạn
đồng pha được, mà phải nằm trước giai đoạn tân thạch lận kia.
Hơn thế, đồ vật không cho ta biết đích xác được cái gì, mà chỉ có sự đối
chiếu sọ của dân ta ngày nay với sọ của đủ thứ người cổ đào được ở Bắc
Việt mới giúp ta biết được ta là hậu duệ của chủng nào mà các nhà bác học
Âu Mỹ ở Đông Sơn lại không có ông nào nghĩ đến sự thật căn bản đó hết.
Nói ông L. Aurousseau thuộc trường phái thế kỷ XIX, các nhà bác học
Đông Sơn trẻ hơn, nhưng vẫn không hơn L. Aurousseau một gờ ram.
*
* *
Biến cố Đông Sơn lại xô thiên hạ vào một cuộc sa lầy phụ thuộc mà
chúng tôi tạm đặt tên là cuộc sa lầy II bis. Trước hết vì một danh từ bác học
mà cả một số nhà bác học Âu Mỹ cũng không hiểu. Đó là danh xưng
Indonésien.