Đây, nguồn sáng từ dưới âm ty chiếu lên hay từ 5.000 năm trước chiếu lại, một
khúc phim của quá khứ mà các cuộc đào bới cho thấy khá rõ ràng, mặc dầu cũng còn
vài khuyết điểm mà chúng tôi phê bình và bổ túc sau, không phải chỉ ở chương nầy
mà ở nhiều chương khác nữa.
1. Cách đây lối 5.000 năm, chủng Anh-Đô-Nê-Diêng, tức cổ Mã Lai, từ đâu
không biết, và không biết vì lẽ gì, di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến
Đài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương.
Đồng thời họ cũng di cư sang Đông Ấn Độ rồi từ Đông Ấn Độ họ đi sang Đông
Dương (tức có cả Miến Điện và Thái Lan trong đó và nên nhớ rằng dân của
nước Thái Lan chỉ mới di cư tới nước Thái Lan nay kể từ thế kỷ thứ 8, thứ 9
S.K. và đến thế kỷ thứ 13 thì họ đã đủ đông để đuổi người Cao Miên, đang làm
chủ ở đó, để dựng lên nước Xiêm, vậy nếu ở đất Thái Lan có dấu vết của bọn di
cư nói trên thì bọn ấy cũng không phải là tổ tiên của người Thái).
2. Sọ của bọn Cổ Mã Lai nầy cho thấy rằng họ có lai giống với một vài nhóm
Mông Cổ, nhưng không biết là nhóm nào. (Khoa chủng tộc học dùng danh từ
Mongoloide. Danh từ nầy có nghĩa là có tánh cách Mông Cổ nhiều hay ít và
chúng tôi đã trình ra hai thứ dân là Trung Mông Gô Lích, tức người Hoa Bắc,
và dân Nam Mông Gô Lích, tức người Hoa Nam. Vậy danh từ Mongoloide
có nghĩa rất rộng, có thể là lai thẳng với Mông Cổ mà cũng có thể là lai với
Tàu Hoa Bắc, nhưng không thể với Tàu Hoa Nam, vì cách đây 5.000 năm,
chủng Nam Mông Gô Lích chưa có mặt trên quả địa cầu).
3. Tại Miến Điện xưa và Cao Miên xưa, tức ở Trung Lào nay, bọn Cổ Mã Lai
lai giống quá nhiều với dân thổ trước, thuộc chủng Mê-la-nê, có lai nhiều vì ở
những nơi đó chủng Mê-la-nê đã tiến bộ lắm, bắt đầu tiến tới thời đại Tân
Thạch, giỏi gần bằng bọn mới đến. Thế nên bọn di cư ấy mới đen da.
Ở Cổ Việt Nam thì thổ trước Mê-la-nê còn ở trong thời đại Cựu Thạch nên rất ít
có hợp chủng Cổ Mã Lai + Mê-la-nê, thế nên người Việt Nam trắng da hơn Môn
và Khơ Me.
4. Vũ khí và dụng cụ độc nhứt của họ là lưỡi rìu đá mài có tay cầm.
5. Cạnh sọ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm không thấy dụng cụ xay, giã, nghiền
hay tán gì hết để có thể kết luận họ đã biết trồng trọt.
6. Nếu chỉ có một mình họ di cư mà thôi thì không cần đặt tên mới cho họ,
nhưng còn một đợt di cư sau, cũng là của chủng Cổ Mã Lai, sau đó lối 2.500