Còn giả thuyết thứ ba nữa. Có thế nào mà họ đến sau Tàu hay không?
Chắc chắn là không, vì theo những nguồn sử cổ mà Từ Hải cho biết thì Xy Vưu là
cổ thiên tử, tức hắn phải là kẻ đến trước. Kẻ đến sau mà làm cổ thiên tử được là làm
luôn vì nó đã thắng. Mà như vậy thì các nguồn sử Tàu cổ đã không gọi y là cổ thiên
tử mà là kim thiên tử.
Người cổ lầm lẫn địa bàn trong truyền thuyết là chuyện thường xảy ra. Thí dụ
truyền thuyết về biên giới Hồ Động Đình của ta chỉ là truyền thuyết của Mã Lai đợt
II. Ta đa số là Mã Lai đợt I, tức Mã Lai Hoa Bắc, thế mà ta cũng cứ xem truyền
thuyết đó là của ta, chớ không dè là của dân bổ sung là người Mường, 2.500 năm sau
mới xuất hiện.
Trong cuộc chứng minh Việt Nam = Mã Lai, chúng tôi có bắt được một chứng tích
nầy là người Mã Lai ở đảo Java có kể một chuyện cổ tích y hệt như một chuyện cổ
tích Mường, nhưng kỳ lạ lắm là khung cảnh mà họ tả trong chuyện là khung cảnh núi
đá vôi ở Hoà Bình trong khi đó thì đảo Java không hề có núi đá vôi (sẽ kể rõ ở
chương Mường). Đó là một bằng chứng một dân tộc thiên di, đồng hoá hai địa bàn cũ
và mới.
Nếu ngày nay dân Nhục Chi mà còn thì chắc chắn họ sẽ có hai nhơn vật truyền
thuyết giống hệt Toại Nhân và Phục Hy.
*
* *
Vậy sử Tàu chỉ cổ có 5.000 năm chớ không quá lâu đời với những Toại Nhân và
Phục Hy như họ đã viết. Sử Tàu chỉ bắt đầu từ Hiên Viên tức Hoàng Đế mà thôi.
Đặc biệt Thần Nông trước Hiên Viên một đời, thì không phải xuất hiện tại Tây
Vức hay tại Trung Hoa mà có lẽ tại Cam Túc, nơi hành lang xâm nhập mà họ gặp đất
hoàng thổ để tiến lên nông nghiệp.
Ra khỏi Cam Túc, vào nội địa Hoa Bắc cổ thời là đã phải chết sống với chín thứ
dân Lê dưới quyền lãnh đạo của Xy Vưu rồi.
Giữa nhiều giả thuyết dĩ nhiên chỉ có một là đúng.