Vả lại, người Aryen, tức người Ấn ngày nay, viết sử cho biết rằng khi họ
xâm nhập Ấn Độ thì họ gặp toàn là thứ người đó mà họ gọi là Mleech’a, ở
đâu cũng do thứ người đó làm chủ, trên toàn cõi Ấn Độ (theo Kinh Phệ Đà).
Mleech’a chỉ là phiên âm của danh tự xưng của dân Mã Lai, và quả thật
thế, chúng ta sẽ thấy một nhóm nữa, tự xưng là Malaya’am từ 6.000 năm
rồi và cho đến ngày nay họ vẫn còn tự xưng như vậy.
Chúng ta đã thấy Tàu gọi dân số đó là Lỉ, là Li, là Lai, cũng tức là phiên
âm danh tự xưng Mã Lai, chỉ có điều là phiên âm không đúng hẳn vào hai
lần đầu mà chỉ đúng ở lần thứ ba vào thời Tây Chu mà thôi.
*
* *
Đó là bốn nhóm thuần chủng Mã Lai ở Ấn Độ mà nhà bác học V.
Goloubew cho biết rằng họ cất nhà giống nhà khắc ở trống đồng Đông Sơn
và có văn minh giống với văn minh Đông Sơn, thuộc chủng cổ Mã Lai.
Nhưng ngoài bốn nhóm nhỏ ấy các tiểu bang Madras, Kerela và quốc gia
Tích Lan cũng là của thứ dân ấy, nhưng đã bị Ấn hoá và hiện còn đang lai
căn với Ấn Độ cho tới ngày nay mà sự hợp chủng chưa dứt, và họ còn đông
tới 100 triệu.
Nhận xét của ông V. Goloubew đi song song với khám phá của các nhà
chủng tộc học, các nhà dân tộc học và các nhà khảo cổ khác, nhứt là các
nhà ngôn ngữ học.
Tất cả họ đều thấy rằng dân Nam Ấn, hiện đông lối một trăm triệu, khác
hẳn với chủng Aryen ở Bắc Ấn.
Bắc Ấn, trước ngày độc lập vẫn chia ra thành nhiều tiểu bang, có ngôn
ngữ riêng, nhưng tất cả các ngôn ngữ ấy đều đồng gốc Ấn Âu.