Và theo ông Malleret thì người Thái đã cai trị vùng đó cho tới năm 1927.
Người ta tạm kết luận rằng đó là một người Thái thường dân đi ăn trộm
vàng, bởi các tục của Cao Miên chôn vàng ở hầm trung đường, và chôn một
cách vĩnh viễn. Kẻ trộm bị chết vì rủi ro nào đó không biết được.
Bà Genet-Varein nghiên cứu sọ của người ấy và thấy rằng người ấy thuộc
chủng Mã Lai!!!
Giới bác học ngẩn ngơ vì vào năm đó, chủng Mã Lai được đo sọ rồi, còn
việc đo sọ của dân Thái thì cho mãi đến năm 1931 mới biết được kết quả.
Người ta tự hỏi làm thế nào mà một người Mã Lai xa xôi lại đơn độc vào
một ngôi chùa tại một nước xa lạ được, hầu toan ăn trộm vàng, để phải chết
vì tai nạn?
Chỉ sau 1931 thì ánh sáng mới rọi vào câu chuyện khó hiểu đó, vì người
ta khám phá ra rằng sọ Mã Lai, sọ Việt và sọ Thái giống hệt nhau, và kẻ
trộm, chỉ là người Thái, mặc dầu y có sọ Mã Lai.
*
* *
Đây là đặc điểm về nhân thể tính của chủng Mã Lai, nó cắt nghĩa được
vấn đề rất khó tiêu hoá cho một số người Việt Nam ta, là nguồn gốc Mã Lai
của tổ tiên ta.
Ta cứ thấy những Mã Lai sậm màu da, theo văn minh Ấn Độ, có vẻ khác
ta, nên khó nhận rằng tổ tiên ta là Mã Lai. Văn hoá biến đổi con người rất
kỳ dị như đã nói ở một chương trước.
Khía cạnh nhơn thể tính và chủng tộc học kia mới đáng cho ta dùng làm
chứng tích.