lên được, hơn thế ta lại bị hợp chủng với dân xâm lược, phải thọ lãnh văn
hóa mới nữa thì sự khác ấy lại càng rõ hơn.
Riêng ở Nam Dương quần đảo thì dân Mã Lai không có bị xâm lăng lần
thứ nhì (không kể xâm lăng của Hòa Lan về sau) nhưng họ lại bị văn hóa
Ấn Độ tràn ngập, thành thử cũng có người bất hợp tác với văn hóa đó, rút
vào rừng và cũng thoái hóa, thành Cổ Mã Lai như dân Dayak chẳng hạn.
Những sự kiện trên, không hề có xảy ra cho chủng tộc nào khác hết vì
không chủng tộc nào mà lại bị người Tàu đánh đuổi đến hai lần, lại may
mắn có đất để mà thiên di hai lần, rồi có núi rừng không chủ để mà rút vào
lần thứ ba. Họ bị diệt hết hoặc bị biến thái hết, không còn người Cổ người
Kim như chủng Mã Lai được.
Ở đây, chúng tôi xin thương thảo với ông Phạm Việt Châu và các nhà
khảo cứu khác để thống nhứt về danh xưng Cổ Mã Lai, hay Tiền Mã Lai,
hay Cựu Mã Lai.
Các nhà dân tộc học Mỹ cho biết rằng ngày nay không còn Mã Lai thuần
chủng nữa vì khuynh hướng hợp chủng của chủng ấy. Những người Mã Lai
ở Anh-Đô-Nê-Xia, ở Mã Lai Á, ai cũng ngỡ là thuần chủng, nhưng không.
Người Kim Mã Lai hay Hậu Mã Lai, hay Tân Mã Lai chủng có mặt từ
hồi thế kỷ thứ 6 đến thứ 10 với hai nền văn minh Mã Lai rực rỡ Shri-
Vishaya và Madja Pahit, rồi thì từ ấy những nay, cái chủng đó đã biến dạng
vì những cuộc hợp chủng hỗn loạn, mặc dầu sọ còn giống nhau, nhưng mẫu
người đã khác, người nước Mã Lai Á có cái mẫu không giống với người
nước Anh-Đô-Nê-Xia. Như vậy thì kể như không có Hậu Mã Lai gì hết, và
để đối lại, không nên dùng từ Tiền, và từ Cổ ổn hơn nhiều.
Và chúng tôi đề nghị dịch Indonésian hoặc Proto Malais ra là Cổ Mã Lai,
chớ không phải Cựu Mã Lai, cũng không phải Tiền Mã Lai. Dân Mã Lai
không có tánh cách Tân hay Hậu, mà chỉ có tánh cách hiện Kim mà thôi.