Trong quyển “Archacological Research in Indochina” của ông O. Jansé,
người cầm đầu phái đoàn khai quật Đông Sơn, do nhà in Bruges St.
Catherine Press (Bỉ quốc) tái bản năm 1955 có in hình nhiều kiểu nhà ở và
nhà mồ của đồng bào Thượng ở Việt Nam, nhà ấy giống nhà trong trống
đồng thau và giống nếp nhà do ông V. Goloubew hồi phục bằng vào vật liệu
khai quật được, và công cuộc khảo sát về dân tộc học, nhân thể tính cho biết
rằng người Thượng ở Cao nguyên cũng thuộc chủng Cổ Mã Lai (Anh-Đô-
Nê-Diêng).
Trong quyển “Introduction à l’étude de l’Annam et du Champa” (BAVH
số một và hai, 1934) ông Claeys viết: “Nếu cần phải kết luận thì người ta có
thể nói mà không cần dè dặt (on pourrait facilement déclarer) rằng nóc oằn,
mái cong lên, ở bên Tàu là do bắt chước người Cổ Mã Lai, còn ở xứ Annam
thì đó là cái gì còn sót lại của cổ tục bổn xứ”.
Nhưng người Tàu đã bắt chước của ai hồi đời Đường? Ta có một chứng
tích khá rõ. Các nhóm Mã Lai đều cất nhà lợp lá. Biến nóc lá oằn và mái
cong thành nóc ngói oằn mái cong là chuyện khó lắm, vì vật liệu khác, không
ai biết sẽ làm được hay không thì Tàu hẳn không có thử làm.
Nhưng một nhóm Mã Lai kia đã thử làm, đúng vào đời Đường, họ gởi
hàng ngàn sinh viên đi sang Tàu để học đủ thứ môn kể cả kiến trúc gỗ và
công nghệ ngói gạch.
Về nước, họ bắt đầu cất nhà lợp ngói, nhưng vẫn giữ nguyên mọi biệt sắc
Mã Lai cố hữu là nhà sàn, nóc oằn, mái cong quớt lên. Đó là Chính Xương
Viện ở cố đô Nại Lương (có hình cạnh đây).
Chính Xương Viện là ngôi nhà ngói nhưng cất trên sàn, có nóc oằn và mái
cong, cổ nhứt của nhơn loại, mà chính người Mã Lai Nhựt cất lên bằng cách
dung hòa hai thứ kiến trúc: kỹ thuật bên trong học của Tàu, còn thì cái gì của
Mã Lai đều được giữ nguyên vẹn.