ông vẫn phải tôn thờ khoa học. Mà ở mặt khác, khoa học cũng dạy rằng văn
hóa có biến dạng con người sâu đậm tới đâu đi nữa, dấu vết cũ vẫn còn.
Mà những dấu vết cũ ấy, dấu vết Mã Lai, ông V. Goloubew tìm mãi vẫn
không thấy được trong xã hội Việt Nam ta ngày nay.
Dân Dravidien, chủ đất cũ thứ nhì của nước Ấn Độ (họ cũng là Mã Lai
đấy) đã bị quân xâm lăng Aryen cố xóa tẩy dấu vết văn hóa từ trên bốn
ngàn năm nay, nhưng không sao mà Aryen thành công được hết, và các nhà
dân tộc học thế giới tới đó nghiên cứu vài năm là biết rõ cả. Hơn thế, họ còn
tìm được dấu vết văn hóa Dravidien xâm nhập văn hóa Aryen nữa.
Nhưng ta thì chỉ bị Tàu xóa văn hóa có một ngàn năm, thì dấu vết Mã Lai
ở đâu, nếu quả thật tổ tiên ta là Mã Lai?
Nhưng, như đã nói, ông V. Goloubew chỉ là một nhà bác học sớn sác, nói
theo miền Nam, tức quá vội vàng kết luận.
Rồi các ông Tây, vì quá bí, bỏ trôi luôn, nên các ông khỏi sa lầy sâu hơn.
Chỉ có trí thức ta là lâm vào cảnh vua Đường sa nê, mà sa tới cổ.
Tìm nguồn gốc của dân tộc Việt Nam tại giai đoạn Đông Sơn như là đi
tìm Sài Gòn mà cứ dừng chơn tại Hội An. Thế nên các vị sử gia ấy cứ loay
hoay mãi với Đông Sơn mà không đi tới đâu hết. Chính vì ta sa lầy chớ
không phải Tây, vì như đã nói, họ phủi tay vì bí, sau khi làm xong công việc
chính là khảo tiền sử.
Tuy nói thế, chớ trong quyển sách nầy, chúng tôi cũng có tìm những cái
khoen nối kết đó, mặc dầu nền văn minh Đông Sơn không nói lên được cái
gì cả. Nguồn gốc dân tộc ta phải nhiều ngàn năm cổ hơn thế kia.
Nhưng chúng tôi vẫn tìm để xem Đông Sơn có phải là Việt Nam hay
không và nếu phải thì ta lại được biết một giai đoạn của cổ sử ta trên đường
tìm về thượng cổ sử.