D.- Thờ mặt trời và âm dương vật
Có rất nhiều nhóm Mã Lai chi Lạc thờ mặt trời hoặc, ông trời, mà riêng
về Mã Lai Việt Nam chúng tôi sẽ nói rõ ở chương Bắc Việt. Ở đây xin nhắc
lại một lần nữa rằng Mã Lai Nhựt Bổn cũng thờ nữ thần Thái Dương. Tất cả
đều ăn khớp với hình trống đồng.
Còn một tôn giáo nữa mà không ai dè là của Mã Lai, và hiện vẫn tồn tại
trong xã hội ta.
Tục thờ dương vật và âm vật ở vài làng Bắc Việt (Báo Ngày Nay, tác
phẩm của Toàn Ánh và của Lê Quang Nghiêm) khiến nhiều nhà khảo cứu
Việt Nam kết luận rằng đó là những làng Chàm, nguyên là tù binh xưa được
trả tự do, cho làm dân Việt và là người Chàm, họ theo văn minh Ấn Độ, nên
mới có tôn giáo kỳ cục đó.
Nhưng các nhà khảo cứu ấy không biết rằng đạo thờ dương vật, âm vật
không phải là của Ấn Độ, mà là của chủng Malayalam ở Ấn. Tôn giáo ấy
gồm dâm thần Shiva, dương vật và âm vật mà tượng trưng sau cùng hết là
cối và chày có ám chỉ đến trong quyển Ô Châu Cận Lục, tả dân Việt ở Ô
Châu có phong tục dâm đãng, và con gái thường lấy cối để trêu con trai.
Đó là dấu vết Mã Lai của xã hội Mã Lai Lạc Việt cổ thời, chớ không hề
là dấu vết Chàm.
Tôn giáo ấy không phải chỉ có ở Bắc Việt, mà có cả ở Trung Việt (tác
phẩm của Lê Quang Nghiêm) cũng cứ trong các làng Việt Nam một trăm
phần trăm, còn trong các làng Chàm thì lại không có. Mã Lai Chàm đã bị
đạo Hồi thủ tiêu nguồn gốc rồi, nhưng Mã Lai Việt không có chịu cảnh đàn
áp tôn giáo của đạo Hồi, nên còn giữ được.