Trong khi đó thì thần thành hoàng mới xuất hiện, vì các thành quách lớn
mới được xây cất, nhưng hai thứ thần đó cũng lại khác nhau, một đàng là
thần đất đai của nông dân, một đàng là thần vách thành và hào của thị dân.
Xem thế thì gọi thần của ta là Thần Thành Hoàng là sai. Ta không có thành
phố vào cổ thời. Còn làng ta cũng không hề là thành quách lớn hay nhỏ bao
giờ.
Ông L. Bézacier lại bác bỏ luận cứ của các học giả Việt cho rằng đình,
nguyên xưa kia là hành cung. Ông bác bỏ vì vua ta chỉ mới bắt đầu có tục
du hành từ thế kỷ thứ 10, trong khi đình, dựa theo kiến trúc, thì phải có
trước Tây lịch.
Vả lại xét ra, những đình cổ bốn trăm năm của ta cũng không có vẻ gì
dùng ở được cho có một chút xíu tiện nghi nào cho người thường, chớ đừng
nói chi nhà vua.
Ông L. Bézacier quả quyết rằng đình và thần làng của ta là cái gì tối cổ
còn sót lại, và lối kiến trúc, cho thấy cái tối cổ đó có tánh cách Mã Lai.
Thần làng của ta xưa kia là anh hùng địa phương, danh nhân địa phương,
giống hệt Mã Lai, Nhựt Bổn, mà mỗi làng cũng có đình và cũng chỉ thờ anh
hùng địa phương và danh nhân địa phương, chớ không bao giờ thờ thần đất
đai hay thờ thần của Tường và Hào (Thành Hoàng) như Tàu.
Về cái đình thì ta rất giống Nhựt mà khác Tàu, lại giống các nhóm Mã
Lai.
Chỉ về sau nầy, các vua ta mới bắt thờ quan ở các nơi khác chớ không
luôn luôn thờ danh nhân địa phương nữa, nhưng vẫn không phải là thần đất
đai hoặc thần Thành Hoàng như Tàu.
Hiện nay, trong các xã hội người Cổ Mã Lai, làng nào cũng có một ngôi
nhà quan trọng nhứt như đình ở Bắc Việt, và đó là nơi hội họp của đàn ông