cả, từ thời cổ đến nay (Maspéro). Nếu vị thần ta mà chống xâm lăng đi nữa,
tức là có công chung đối với toàn quốc như ông Thánh Gióng đã chống giặc
Ân, tức giặc Tàu trào đại Thương cuối mùa, thì ông cũng cứ là thần riêng
của làng sinh quán của ông. Toàn quốc sùng bái ông nhưng không có lập
đền thờ cho ông như làng sinh quán của ông. (Về Thánh Gióng tưởng đâu là
chuyện hoang đường, nhưng không. Sử Tàu có chép rằng nhà Ân quả đã có
chiến tranh với một nước ở phương Nam tên là nước Quỹ Phương, nay
không ai biết ở đâu hết, chỉ biết là ở Hoa Nam. Nhưng không lẽ Việt Nam
lại chiến tranh được với nhà Thương vì giữa họ và ta còn quá nhiều nước
trung gian? Nhưng nếu ta thấy rằng dân ta xưa làm chủ đất Trung Hoa, cả
Hoa Bắc lẫn Hoa Nam, thì câu chuyện hóa ra hết hoang đường. Làng Gióng
có lẽ là một làng ở Hoa Nam mà toàn dân hay đa số dân trong làng di cư
xuống đất ta ngày nay, rồi ở đó, họ thờ lại vị anh hùng cứu quốc cũ).
Nhưng phần lớn không phải là những bực chống xâm lăng mà cũng
không phải là quan nữa, trước khi trào đình xía mũi vào.
Phần lớn chỉ là những nhơn vật đã làm cái gì thoát sáo, độc đáo hoặc giản
dị hơn. Thần của làng ta chỉ là tượng trưng cho một quan niệm tôn giáo nào
đó thôi, thí dụ các dâm thần.
Đó là tục của người Mã Lai mà hiện Nhựt Bổn và các đảo Mã Lai còn
giữ.
Hai ông L. Bézacier và H. Maspéro cực lực binh vực quan niệm rằng
đình và thần làng là đặc thù của Việt Nam, (tức của Mã Lai) mặc dầu sách
Trung Hoa Ying tsao fa che (?) cho biết rằng họ có đình từ đời nhà Hán.
Đình của Trung Hoa không phải là nơi thờ phượng mà chỉ là cái nhà cất
trên đường để bộ hành nghỉ ngơi, nam nữ đều vào được.
Đình của ta là nơi thờ thần làng và nơi hội họp của các nhà lãnh đạo
trong làng và phụ nữ không được vào.