trăm ở Nam Kỳ vì toàn thể các làng Nam Kỳ, không có làng nào được lập
trước 1620 hết), còn các thần bậy bạ, vua chúa không nhìn nhận thì thôi chớ
cũng không dám chạm tới họ.
Thế thì ta phải kết luận rằng xưa kia thôn xã của ta tự trị, y như các Lang
của Mường và T’lang của Mã Lai, rồi thì trào đại nào đó không biết đã
cướp mất nền tự trị ấy mà không còn để dấu vết. Dấu vết trả lại tự trị của
Khâm Định tuy là dấu vết đúng, nhưng lại thiếu cái khoen giữa, hóa ra nó
gạt gẫm người suy luận liều lĩnh.
Và các làng của ta xưa là các thị tộc chớ không phải là bộ lạc. Truyền
thuyết Mường đã đưa con số quá chính xác là 1960 cái, không thể tin được,
nhưng chắc không xa sự thật bao nhiêu.
Xin nghiền ngẫm lại định nghĩa của bộ lạc và thị tộc ở chương Cái Họ thì
thấy rõ là bộ lạc to lắm, chính thị tộc mới là nhỏ, trái với tưởng tượng thông
thường của phần đông.
Hễ nói tới làng Việt thì không sao quên được cái Đình và Thần Làng đã
có nói sơ qua rồi trên kia, nhưng cần nói rõ hơn.
*
* *
Toàn thể các học giả ta đều sai lầm khi gọi thần làng của ta là Thần
Thành Hoàng.
Hai thứ thần ấy khác nhau quá xa, một đàng của ta, một đàng của Tàu,
mà Tàu cũng chỉ mới có từ đời nhà Chu đây thôi thì không thể lầm lẫn với
nhau được. Những học giả Việt viết bằng tiếng Pháp cũng đã lầm lẫn y như
những học giả Việt viết bằng tiếng Việt.
Thần làng của ta là thần riêng của dân làng. Đó là điều nên nhớ vì đó là
điều quan trọng nhứt, vì các làng Trung Hoa không bao giờ có thần riêng