Sự trùng hợp của danh từ đình, có thể hoặc là một sự trùng hợp ngẫu
nhiên, hoặc là một cuộc vay mượn vì ảnh hưởng Trung Hoa về sau, ta đã
vay mượn một cách không cần thiết một số danh từ mà ta đã có rồi.
Chẳng hạn cái Đình thì người Sơ Đăng, một thứ người nói tiếng Mã Lai
y như Việt Nam, gọi nó là cái Rong. Có thể tổ tiên ta bỏ Rong vay mượn
danh từ Đình. Rong là danh từ Mã Lai đợt I, còn danh từ Mã Lai đợt II là
Bahala.
Ông Béacier dựa vào nghiên cứu của ông H. Maspéro trong quyển Les
regliions chinoises, để chỉ sự khác biệt giữa thần làng của Mã Lai Việt và
thần thành hoàng của Trung Hoa.
Các nhà học giả ta gọi thần làng của ta là thần thành hoàng là không
đúng.
Thần thành hoàng của Trung Hoa chỉ mới xuất hiện vào đời nhà Chu,
cùng một lượt với những thành quách của các nhà lãnh chúa lớn và chư
hầu. Thành là bức tường bao quanh thành phố và Hoàng là cái hào bao
quanh bức tường. Đó là thần của thành trì và thành phố.
Thần của ta là thần của làng xóm, chớ không phải là thần của thành phố.
Nông thôn ở Trung Hoa có thần hay không? Có, nhưng lại khác hẳn thần
của làng ta. Thần của ta là nhơn vật địa phương, còn thần các làng Tàu là
thần đất đai. Ta có cất nhà, họ thì thờ lộ thiên. Thần của ta là của riêng mỗi
dân làng. Thần của Tàu là của riêng của lãnh chúa mà dân nhiều làng phải
cùng thờ với lãnh chúa. Khi mà một lãnh chúa lớn mạnh và nuốt rất nhiều
đất của các lãnh chúa khác thì họ hóa ra ở quá xa các làng, và dân các làng
không còn đi theo họ được để mà thờ vị thần đất đai đó, thế là thường dân
Tàu không còn gì nữa để mà thờ cả, trong các làng. Thế nên cuối đời nhà
Chu khi mà 10 ngàn chư hầu sụt xuống còn có 7 chư hầu thì các làng xóm
không còn tôn giáo.