Vả lại ta có bằng chứng đích xác rằng tiếng ta và tiếng Mường chỉ mới
tách rời nhau từ thế kỷ 17, tức là trước thế kỷ đó vẫn nói Lang, chớ chưa
nói Làng, trong khi đó thì danh xưng Văn Lang đã có trước rồi, không phải
có trong sách Tàu, mà có trong sách vở xưa của ta nữa.
Nhứt định là Văn Lang phải do cái gì khác mà ra chớ không thể nào mà
do Văn Làng được, vì chính Lang biến thành Làng, chớ không phải Làng
biến thành Lang, mà sự biến hóa ấy thì chỉ mới xảy ra vào thế kỷ 17. Lẽ thứ
nhì là ta không có chữ Văn, trước khi ta học chữ Nho.
Chúng tôi có thể giải thích nghĩa của quốc hiệu Văn Lang và giải thích
tại sao, trước khi học chữ của người Tàu, vào các trào Hùng Vương, mà ta
lại biết chữ Nho để đặt quốc hiệu đó là Văn Lang. Nhưng đó là một câu
chuyện khác sẽ trình bày ở chương khác.
Chúng tôi sẽ trưng ra bằng chứng rằng đó là một Quốc Hiệu hoàn toàn
Việt, được Hoa hóa về sau, khi mà dân chúng chịu ảnh hưởng Trung Hoa.
Lối Hoa hóa ấy cùng tánh cách với lối phiên âm các danh xưng “man di”
của Tàu, nó có nghĩa, nhưng cái nghĩa đó là nghĩa cưỡng ép chỉ cốt giống
danh xưng bổn xứ, còn hiểu theo chữ Nho thì không thấy được ý thật của
danh xưng, thí dụ danh xưng Chân Lạp, Tàu họ phiên âm như vậy, có nghĩa
lắm, nhưng nghĩa đó quá vô lý. Chân Lạp là sáp ong thứ thiệt chăng? Có
hàng trăm nước có sáp ong tốt, sao chỉ gọi nước đó là Sáp ong thứ thật.
Nhưng về Chân Lạp thì ta may mắn biết được sự thật nhờ người Cao Miên
nhớ tên cũ của nước họ và cái nghĩa đúng của nó. Đó là Chanh Ra. Trường
hợp Văn Lang thì quá cổ, không còn ai nhớ gì nữa hết.
Dầu sao, ta cũng thấy sự liên hệ rõ rệt giữa T’lang của Mã Lai, Lang của
Mường và Làng của ta, về cơ cấu tổ chức, tức tự trị, chỉ có khác là làng của
ta không còn phong kiến như T’lang và Lang của Mã và của Mường, đó là
do toàn quốc Việt Nam đều thoát khỏi chế độ phong kiến thật sự lâu rồi,
không như nơi xứ Mường chẳng hạn.