Con vật đó dính líu với con quái vật của hai địa bàn của dân Việt, địa bàn
Động Đình Hồ và địa bàn Vịnh Hạ Long.
Con Giao Long ở Động Đình Hồ được Tô Đông Pha nói đến trong bài
phú Tiền Xích Bích. Đó là loại bò sát tiền sử còn sống sót ở Hồ Động Đình
(địa bàn cũ của dân Bộc Việt) và ở Vịnh Hạ Long nay, mà các sĩ quan hàng
hải Pháp đã thường gặp và đặt tên là Serpent de mer.
Một dân tộc có địa bàn trùng hợp với địa bàn Giao Long hẳn phải thường
có dịp khiếp sợ, tôn kính con vật đó và thờ nó làm vật tổ.
*
* *
Chúng tôi có nghe ông Văn Tân đã bác thuyết của Đào Duy Anh và cho
rằng vật tổ của dân ta là loại Rồng Rắn. Không được đọc ông Văn Tân,
chúng tôi không biết ông quan niệm Rồng Rắn ra sao, có phải là giao long
của chúng tôi hay không, và nhứt là không biết do đâu mà ông Văn Tân
nghĩ đến Rồng Rắn.
Nhiều sách cổ của Tàu đã định nghĩa sai Giao là Cá Sấu. Sự thật thì Giao
là loại bò sát, một sinh vật tiền sử còn sống sót cho đến ngày nay, mà người
ta đã thấy ở hồ Loc-Ness bên Anh quốc và hồi tiền chiến, các sĩ quan hàng
hải Pháp đã thấy ở Vịnh Hạ Long.
Người Tàu cũng đã thấy con vật ấy ở Động Đình.
Đó là vật tổ của bọn Lạc bộ Mã gốc Hồ Động Đình.
Các nhà khảo cổ Âu Mỹ nghĩ cũng lạ. Trên nhiều lưỡi rìu, không bao giờ
có hình chim. Ở nhiều đồ vật khác cũng thế. Nhưng ở đâu cũng có hình một
loài bò sát không giống con gì cả, có khi có chơn, có khi không chơn. Thế
mà các ông không nghĩ đến con vật ấy, mà cứ bị ám ảnh vì chim.