ở đó mà thôi.
Họ có biết Việt nầy là Lạc ở trên chăng? Ta sẽ có bằng chứng là họ biết.
Nhưng tại sao họ không gọi bọn dưới như đã gọi bọn trên thì thật là khó
đoán. Và Việt là gì thì chúng tôi đã có thử giải thích rồi bằng cách đối chiếu
tự dạng Việt nguyên thỉ đời Thương với lưỡi rìu Quốc Oai: Việt chỉ là danh
từ, danh từ đó là danh từ của dân Việt, có nghĩa là lưỡi rìu, Tàu đã mượn
danh từ đó khi mượn món vũ khí đó.
Và họ đọc chữ Việt đó khác ta, vì các nhà Nho ta đọc sai tiếng Tàu mà có
người cho rằng với mục đích mỹ hóa. Người Mường đọc gần đúng như Tàu
mà không có học với Tàu bao giờ như ta. Thế thì phải hiểu rằng xưa kia cả
ta lẫn Mường đều đọc đúng, và Tàu đã đọc theo ta và Mường thuở ta và
Mường còn ở Hoa Nam.
Người Mường đọc là Yịt
Người Tàu đọc là Yue.
Nhưng đến đời Xuân Thu thì họ viết sách, chỉ dân Việt ấy bằng một tự
dạng tân tạo khác chữ Việt nguyên thỉ. Chữ Việt nguyên thỉ biến thành cái
đuôi của chữ Việt Xuân Thu, ở trên thêm chữ Mễ nằm trong khung vuông.
Trong thư tịch Trung Hoa, chữ Việt thứ nhì nầy xuất hiện lần thứ nhì
trong quyển Xuân Thu của Khổng Tử.
Lần thứ nhứt nó xuất hiện ngay ở đầu sách Kinh Thư, nhưng ta chỉ cần
theo dõi Xuân Thu, có lợi cho sử của ta hơn.
Cái đuôi được người Tàu xem là cái bộ, khác với người Việt Nam. Ta thì
ta xem chữ Mễ là cái bộ, nên ta gọi chữ đó là Việt bộ Mễ, còn Tàu thì gọi
nó là Việt bộ Nguyệt, Nguyệt là cái đuôi ấy.