***
… Có tiếng thì thào nhưng gấp gáp gọi chiêu Bảy. Nguyễn Du
hấp tấp chạy vội vào buồng. Bà Tần đang hấp hối nằm trên
giường. Sắc mặt bà đã trở nên nhợt nhạt. Nguyễn Du nắm tay mẹ.
Trong tay bà Tần lại đang nắm một hòn sỏi gần bằng quả trứng
gà. Tay bà lạnh rồi, miệng cũng không nói được mặc dù đôi môi vẫn
mấp máy. Nhưng cặp mắt bà thì ánh lên một nét dịu dàng và khẩn
cầu. Có lẽ trong tất cả những người có mặt trong phút giây tiễn biệt
này chỉ có chiêu Bảy là hiểu thấu điều mong muốn của bà Tần.
Cậu mếu máo nắm tay bà.
-Con… con… sẽ… sẽ… để viên sỏi này cùng theo mẹ!
Chiêu Bảy nức nở gục bên thi hài mẹ. Bà Tần đã thanh thản ra đi.
Người nhà không cho cậu khóc to vì chưa phát tang. Họ đưa cậu ra
ngoài hiên. Có một vài người ngồi bên cậu. Chưa tiện hỏi nhưng ai
cũng tò mò không hiểu viên sỏi trong tay bà Tần và những lời cậu
chiêu Bảy nói có ý nghĩa gì?
Phải tới mấy ngày sau người ta mới rõ chuyện về viên sỏi. Thì ra
bà Tần không chỉ thích đọc sách để tìm chỗ cảm thông với những
thân phận giống như mình. Trong sâu thẳm, bà cũng muốn về cõi
Phật nên hay tìm những sách kinh, tìm những chuyện về nhà Phật
để ngẫm nghĩ. Có lần, bà kể với Nguyễn Du một câu chuyện buồn
gắn với vị Tổ đầu trong Tam Tổ Trúc Lâm. Ngày xưa khi Vua Trần
Nhân Tông lên núi Yên Tử và giác ngộ, ngài đã quyết định rời bỏ đời
tục để lánh mình chốn non xanh nước biếc này. Nhưng đoàn cung
nữ đi theo cứ ra sức khóc lóc kêu than xin ngài hãy từ bỏ ý định ấy để
trở về tiếp tục nắm quyền trị nước. Nhưng tất cả những lời cầu
khẩn ấy đều không được chấp nhận. Đám cung nữ không biết
làm cách nào đành quyết định lấy cái chết để tỏ bày lòng gắn bó
với Vua. Họ cùng trầm mình ở một dòng suối mà nay người ta quen