Đấy! Nhờ vậy mà Quốc Tử Giám mới được tu bổ như quan nhân
thấy đấy ạ.
Nghe câu chuyện, Nguyễn Du thầm nghĩ: “Thì ra Quang Trung
cũng là một ông Vua có tâm hồn thi sĩ! Ông dám đường hoàng nhận
lỗi và cũng dám hứa hẹn dựng lại bia nghè trên tòa muôn gian. Đọc
lời phê thì thấy giữa cửu trùng và nhân gian đã giảm đi nhiều
khoảng cách”.
Nguyễn Du quay sang hỏi ông lão:
-Thế cụ có biết thầy Nho làm bài này là ai không?
Ông lão hóm hỉnh:
-Vua bảo: “Sắc cho Bộ hỏi, dân khai” nhưng quả không có chuyện
ấy! Còn thầy Nho viết bài này thì được người ta đồn có tên hiệu là
Tam Nông tiên sinh. Ông không phải người làng Văn Chương nhưng
dân làng chúng tôi thì quí ông ấy lắm!
Thỉnh thoảng bắt gặp những chuyện vui vẻ, nhẹ nhàng như thế,
Nguyễn Du cũng có phần bớt được tâm trạng nặng nề. Nhưng
không lâu anh lại trở về trạng thái u uất. Anh dành nhiều thời gian
đi dạo cảnh phố phường. Thực ra khu vực đông đúc nhất của Thăng
Long chỉ tập trung ở phía đông hoàng thành ra đến bờ sông Hồng.
Ở
đây có nhiều chợ to, bến cảng, nhiều phường thủ công, đường
phố và cửa hiệu buôn bán tấp nập. Cũng có chỗ có lẽ dân đông, nhà
cửa chật chội nên người ta phải làm cả nhà sàn trên mặt nước sông.
Có khá nhiều nhà trên bờ được xây bằng gạch, lợp ngói. Sông
Hồng có nhánh ăn sâu thông với hồ Tả Vọng, hồ Hữu Vọng, nối
với sông Tô Lịch, hồ Tây, sông Kim Ngưu nên các bến cảng ven
sông lúc nào cũng tấp nập. Nhưng về phía bắc, phía tây, phía tây
nam của kinh thành thì vẫn là khu vực trồng lúa, trồng rau.