không ai nói nhiều, họ chậm rãi, thong thả nắm chặt dải lưới, ngửa
người về phía sau, bấm chân xuống cát, cứ thế tấm lưới rộng,
ngâm trong nước biển nặng, từng lúc, từng lúc nhích dần vào bờ. Khi
lưới thu hẹp dần, có khá nhiều cá cảm nhận được sự nguy hiểm,
nhảy tanh tách như muốn vượt ra. Bên trong lưới đã thấy nhiều
loài cá quẫy mạnh. Bây giờ mới thấy rõ niềm vui, sự thỏa mãn trong
ánh mắt, trong tiếng ồn ào giục giã lẫn nhau của đám ngư dân.
Nguyễn Du nhìn đôi bàn tay, cảm nhận được sự bỏng rát vì lần đầu
tiên làm một việc nặng. Trong lòng ông thực sự cảm thông và trân
trọng về nỗi vất vả của những người dân quê. Trong bữa cơm trưa
tại một nhà ngư dân thân quen Nguyễn Hành (ở Hội Thống, bữa ăn
sau giờ Ngọ được dân chúng gọi là bữa chiều, bữa ăn khi gà lên
chuồng, giờ Dậu gọi là bữa tối), Nguyễn Du còn được thưởng thức
khá nhiều món cá. Đặc biệt ông còn chép được một bài thơ kể tên và
đặc tính của một số loài cá vùng này. Có những câu cũng thú vị:
Kể từ cái giống cá thu
Ngoài khơi về tiết sương mù lắm thay
Cá chim như cái bánh giầy
Thịt bùi cái thủ cái vây đều mềm
Cá hồng chịu khó làm em
Cá dưa cũng được theo liền thứ tư
Cá ông lão tướng lù đù
Ai dè thu cũng phải từ mặt ra...
Hoàng hôn hôm đó trời đẹp, biển lặng, Nguyễn Du còn được
chiêm ngưỡng một cảnh đẹp thứ hai của Nghi Xuân tại cửa biển này.