Nguyễn Khản cũng nghĩ, cả vùng thượng du này xưa kia mình
trấn giữ, bọn thổ tù nay như Hoàng Văn Đông phiên mục Tuyên
Quang, Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Nam, Trương Tuân ở Kinh Bắc,
Trịnh Tự Quyến ở Hải Dương là những tướng có mưu trí lại là thủ hạ
cũ của mình, chắc có thể giao ước để cùng khởi sự. Ông chỉ còn một
điểm băn khoăn:
-Hiện Chúa đang ở trong tay kiêu binh. Ném chuột sợ va vào đồ
quý thì sao?
Nguyễn Điều bày kế:
-Anh nên cho người bí mật gặp Chúa, nói với ngài sai Hoàng
Phùng Cơ hộ tống đến bến Thanh Trì, giả phao lên đi tuần tiễn
mặt sông. Khi ấy ta dùng thuyền nhỏ tới đón Chúa đã cải trang
thuận dòng xuôi về hiến doanh nơi Chúa có thể an toàn.
Nguyễn Khản đã theo kế này báo cho Trịnh Khải và được Chúa
thuận ý. Theo kế hoạch, cuối tháng Giêng, lúc tối trời, Hoàng
Phùng Cơ sẽ đem thuyền rước Chúa để sang đầu tháng Hai thì
quân các trấn sẽ đem đại binh vào kinh giết sạch kiêu binh. Nhưng
không hiểu sao bọn kiêu binh lại đoán được mưu cơ nên chúng đã
thay nhau ngày đêm canh giữ phủ Chúa rất nghiêm ngặt. Trịnh Khải
mấy lần tìm cách đi mà không sao đi được khiến các trấn chờ đợi
đến mỏi mòn rồi dần dần đành bãi binh. Thành Thăng Long một
lần nữa lại rơi vào cái cảnh quân hồi vô phèng cho đến khi quân
Tây Sơn ra Bắc.