Sau đó, Dương Khuông chiếu theo luật “vượt rào vào hoàng
thành” và cho chém tất cả.
Thật không ngờ việc làm của Dương Khuông chẳng những không
trấn áp được bọn kiêu binh, trái lại khiến chúng phẫn uất hơn.
Chúng lập thành từng nhóm gào, thét, kích động lẫn nhau, đốt lửa,
ném đá, quậy phá lung tung như một lũ rồ. Nhiều đứa gào lên kể
công gây dựng cho triều đình mà lại bị lấy oán báo ân. Tất cả mọi
sự căm tức đều dồn lên đầu Nguyễn Khản và Dương Khuông. Bọn
lính tự phát vác dáo gươm hò reo bao vây phủ Bích Câu và thẳng tay
đập phá khiến cho phủ đường tan tác, khói lửa bốc lên cả một vùng.
Thực là đau xót! Cả một địa chỉ văn hóa của kinh thành Thăng Long,
trong một buổi đã trở thành tro bụi. Quân sĩ lùng bắt được Nguyễn
Triêm dùng gạch đá đập cho nát đầu. Dương Khuông phải trốn
trong phủ Chúa khiến cho Dương thị (chị của Khuông và là mẹ của
Khải) cùng Trịnh Khải phải đem ra bao nhiêu tiền bạc để chuộc tính
mạng. Còn Nguyễn Khản thì vội vàng thay quần áo thường dân, tìm
đường tắt chạy ra ngoài kinh thành thẳng lên vùng Sơn Tây trốn
tránh.
Những dự cảm của Nguyễn Khản về những đổi thay bể dâu vừa
mới hôm nào nay đã thành sự thực nhãn tiền!
Có điều Nguyễn Khản không phải là người sớm nhụt chí cam tâm.
Lên Sơn Tây, ông vẫn cùng em là Nguyễn Điều, quan trấn thủ ở đây
tìm cách giết kiêu binh, lập lại trị an cho đất nước.
Nguyễn Điều khuyên Nguyễn Khản:
-Dân tứ trấn oán kiêu binh tận xương tủy. Anh lại là tể tướng, là
sư phó của Chúa nên chỉ cần hô một tiếng thì chắc các nơi sẽ cùng
hưởng ứng.