Khi đi tù, bản thảo bị mật thám Hà Nội đốt mất.
Tránh mọi thành kiến hẹp hòi, mọi tai tiếng dị nghị, mọi con mắt xoi
mói, dòm ngó ở một tỉnh nhỏ, gia đình Nguyên Hồng bỏ nơi chôn rau cắt
rốn tìm ra Hải Phòng kiếm kế sinh nhai ở một thành phố công nghiệp ồn
ào, đông đúc, cái nơi thiên hạ tứ xứ mà dù có phải kéo xe hay bán ốc đầu
đường cũng được, không ai biết đấy là đâu...
Nhưng rồi từ ngày đó người ta thấy xuất hiện trên đường phố Hải
Phòng một người thanh niên thất nghiệp, dáng người nhỏ bé lom khom, áo
chùng thâm dán lấy ngực, mũ trắng vành to, gương mặt xanh xao mất máu,
ngày ngày lang thang ở bến tàu Sáu Kho, Nhà máy xi măng, Sở dầu
Thượng Lý hoặc chầu chực ở cổng các nhà máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ,
Máy ống, các hãng chuyên chở hàng hóa, các bến ôtô tàu thủy, các kho
hàng, cửa hiệu, tràn than, lán củi, hoặc lân la ở các xóm ngõ đầu đường nơi
đi về của phu phen thuyền thợ... để nghe ngóng, thăm dò công việc. Vườn
hoa Đưa người là chặng nghỉ cuối cùng sau những buổi sáng, buổi chiều đi
chầu chực, xin xỏ các nơi không được việc gì cả, là nơi sau những buổi tối
cơm chiều không có, đèn nhà hết dầu, anh đến đứng lặng thẫn thờ, trong
lòng đau khổ, buồn bã vô cùng.
Chợ Vườn hoa Đưa người trông xuống sông Lấp, mà một bên bờ có
khu nhà thương và khu đề lao. Đứng lẫn trong đám người thất nghiệp trên
Hà Nội xuống, ở Nam Định ra, ngoài Hòn Gai, Cẩm Phả về tụ tập tại đây
chầu chực đi ăn đi ở, Nguyên Hồng thường trông ra đường, lòng thắt lại khi
thấy những chuyến xe chở vội những xác chết vô thừa nhận và những đám
tù giải đi xử án. Những cảnh ngộ buồn thảm đó cứ trĩu xuống tâm hồn anh,
đe dọa cuộc sống thoi thóp từng ngày của gia đình anh.
Bao nhiêu ngày tháng bị câu thúc thân thể, bị đày đọa tù tội, bây giờ
lại thêm cảnh đói khổ thất nghiệp kéo dài, Nguyên Hồng nhiều lúc lo sợ,
bối rối, tưởng mình sẽ chết đau đớn ở cái tuổi mười sáu. Và người thanh
niên đó thấy ham sống, thèm sống, tha thiết, khắc khoải lạ thường. Anh