xúc và những ý nghĩ sâu mạnh hơn, rung chuyển tất cả tâm não tôi và in
vào trí nhớ tôi những nét sắc và chói lòa như thép, như lửa.
Từ ngày tôi về Hải Phòng đến đó đúng sáu tháng. Tháng 6-1939. Một
trong những tháng lịch sử của phong trào công nhân Bắc Kỳ, đặc biệt là ở
Hải Phòng.
Ngòi chiến tranh lăm le bùng nổ. Giá sinh hoạt vọt lên gấp đôi, gấp ba.
Nhất là nhà ở, gạo, củi và vải đắt không thể tưởng tượng được. Thợ lương
một ngày không được bốn hào, mà ăn chỉ có cơm, rau muống chấm tý nước
muối dầm me, dầm sấu cũng mất ba hào, ấy là không kể đồng diêm thuốc,
nắm xôi. Ấy là không kể còn miệng ăn của vợ con, cha mẹ phải nuôi. Thấy
chắc sự sống còn đói khổ nữa và bọn thống trị không những không cải
thiện cho công nhân lại còn nhân lúc này chúng sẽ tăng giờ làm, bớt tiền
lương, giảm thợ, trở lại những cúp phạt và đặc biệt sẽ đàn áp các tổ chức
"ái hữu", các quyền tự do dân chủ bao năm đấu tranh mới được cởi mở chút
ít... thấy chắc cái chế độ đế quốc còn đen tối hơn nữa và đời sống sẽ bị
chúng nó dìm sâu nữa trong khủng bố, công nhân Hải Phòng nhất định
cùng nhau chặn tay chúng lại.
Hơn năm nghìn công nhân Máy tơ đã nổ đình công. Yêu sách giữ
vững tất cả những quyền lợi và đòi tăng lương theo giá nhà ở, giá gạo, thức
ăn, nhất là với giá vải mà chính chúng bán tăng lên rất cao. Một hôm... hai
hôm... cuộc đấu tranh kéo dài đến hôm thứ bốn mà bọn chủ vẫn không chịu
giải quyết. Bốn hôm liền nghỉ việc, lương mất, công nợ ngập mặt, nhưng ai
nấy đều vui vẻ ở nhà. Từ thợ đến đại biểu, từ người già đến các chị em
đông con, đều bảo nhau kéo dài muốn bao lâu thì bao, kỳ tới được thắng
lợi. Bất chấp cả mật thám và bọn chủ đe dọa bắt bớ, bỏ tù, bất chấp những
chủ nợ là những cai thầu, những đội xếp tay chân của chúng thúc bách ghê
gớm, nhiều gia đình tiền hết gạo không, chẳng còn cái gì cầm bán được,
cũng vẫn không chịu đi làm.