máu đầy mặt, bước lả đi trong những cánh tay của mấy anh thợ già và mấy
chị công nhân trẻ tuổi. Cả hai tên lính lê dương, hai tên lính da đen, cả
những tên đội xếp Tây đều phải lùi lại. Còn tất cả anh em lại lên cả bờ hè,
từng hàng, từng hàng lại mở ra, tràn ra con đường Sông Lấp đi về phía
đường Đốc Lý để tập trung với các đoàn khác.
Không! Cả hai sở chè, cả Nhà máy Tapi và Nhà máy tơ đều không có
người mẹ kia làm, và, tất cả những anh chị em biểu tình hôm ấy đều không
biết bà là ai cả! Chỉ có tôi. Tôi được biết bà là một người trong những đoàn
dân Trung Quốc xơ xác ốm yếu, dìu díu nhau chạy nạn tàn sát của giặc
Nhật sang Việt Nam, và, tôi đã gặp bà ở gần ga Hà Nội, một buổi trưa u
ám, lạnh lẽo, bọn cảnh sát thực dân súng đạn sẵn sàng áp tải những người
nọ đến chỗ tập trung không khác gì đối với những tù tội hay những dân
chúng mà chúng vây bắt vậy.
Chỉ có hai lần thoáng qua thôi nhưng hình ảnh ấy, cái sống lưng còng
còng, bộ quần áo xanh chàm rách và, đôi gò má cao hốc hác và đôi mắt to
một mí kia nói lên bao nhiêu đau khổ của những người mẹ Trung Quốc lao
động nghèo đói càng thấm thía trong tâm tưởng tôi.
Người mẹ Trung Quốc địu con và chạy giặc tôi được gặp!
Người mẹ ở một nước có những trận lụt, đói và dịch tễ giết hàng ba,
bốn triệu nông dân và luôn luôn bị những vó ngựa, gươm súng của bọn địa
chủ, quân phiệt thống trị và bọn xâm lăng bắt tay nhau, thi nhau cướp phá,
hãm hiếp, bắn giết kia! Người mẹ ở một nước có Quảng Châu công xã...
Người mẹ cần lao tha hương nào vậy? Người không phân biệt tiếng
nói, quê hương và đất nước, đã giơ cao nắm tay cùng với nhân dân lao
động Việt Nam đấu tranh. Nhân dân lao động Việt Nam quyết mãi mãi giữ
chặt lấy nắm tay ấy, và đấu tranh cho đến toàn thắng...
8-1939