Có tiếng gậy và tiếng hắng giọng ở ngoài sân. Cụ Cam bước lên thềm,
tay giơ vịn lấy cửa. Thanh giật nảy người, đứng dậy. Theo sau ông cụ, một
thằng bé mặt chảy xệ, mắt híp, nhớn rồi mà mũi vẫn sụt sà sụt sịt, quần
trắng áo trắng còn sột soạt những nếp gấp mà nhiều chỗ lại vừa vàng ố, vừa
lấm bẩn. Thằng nọ vừa vào trong nhà thì một mùi gây hôi sực ngay lên.
Không như thằng Nghĩa hay thằng Ly, thằng nọ chỉ dám nhìn Thanh một tí
rồi thì mắt mũi quýp cả xuống, và cứ sì sì ở lối đi. Cụ Cam phải gọi:
- Thằng Húp chào cậu giáo đi!
Thanh cũng chẳng nghe thấy mấy tiếng chào lí nhí của Húp! Không
phải vì nó chào nhỏ quá mà vì Thanh còn choáng váng. Đúng là thằng cháu
ông lão ăn mày mù ở cái lều ngoài bờ đầm. Tuy nó vận quần áo mới, tóc
mới cắt hẳn hoi, và vẻ mặt khác hẳn đi, không nhấc nháo như những lần
trước Thanh để ý, nhưng Thanh không thể nào không nhận ra ngay. Cụ
Cam đã ngồi xuống chõng bên cạnh Thanh. Cụ ngước mắt như nhìn vào
Thanh:
- Đây là thằng Húp, cháu ông cụ ngoài bờ đầm. Ông cụ còn được mỗi
mình nó. Người con giai ông cụ cũng bằng tuổi thằng bố Cam nó nhà tôi.
Năm tôi mới ra đây, hai thằng cũng đi làm thuyền đất bên Xi măng đấy.
Dạo này có hàng phở ngoài phố thuê ông cụ xay bột, ông cụ không đi ăn
mày nữa. Ông cụ nhờ tôi nói với cậu cho cháu được theo cậu học. Lại còn
mấy nhà nữa. Một bà đi làm Máy tơ ở xóm trong, nhà bác gánh nước thuê ở
đầu ngõ và nhà cụ bếp Kèn cũng lại định nhờ tôi nói với cậu cho mấy đứa
con cháu nhà họ. Ta cứ nhận. Họ cũng túng thiếu mà cứ cố cho con đi học
mới quý. Ừ... ừ... cậu giáo nhỉ, ta cứ nhận. Rậm người hơn rậm của. Chữ là
chữ của thánh.
Thanh còn đương nghĩ, thằng Húp đánh sụt cái hít nước mũi rồi giơ
tay áo quệt lên. Mấy con ruồi chỉ bay tản đi thoáng giây lại sà đến bâu vào
cái mũi đỏ ướt và cặp má xệ đóng cao đóng cáu của Húp.