cưa rất nhỏ, còn đồng hào đôi cũng gần mới như thế. Lần đầu tiên trong đời
Thanh, Thanh được cầm đồng tiền do mình làm việc mà có. Thanh đã tính
toán suốt đêm những khoản chi tiêu với số tiền rồi đây hàng tháng Thanh sẽ
thu được. Thanh đã có ý cất đồng bạc ấy đi để làm kỷ niệm. Thanh lại
muốn đi chụp một kiểu ảnh với Bưởi, Ly, Nghĩa. Rồi Thanh lại định đóng
một đôi dép quai màu da mận, đế cờ rếp để đi đây đi đó.
Phải! Thanh phải cố đóng một đôi dép.
Khi Thanh đi xin việc hay khi đến nhà học trò, con mắt thiên hạ thấy
Thanh lộc cộc đôi guốc cứ nhìn thế nào ấy. Lắm lúc guốc lại bị đứt quai
ngay giữa phố. Xỏ bên quai đứt vào bên quai lành, xách đôi guốc về nhà thì
mất thời giờ, mà tha lôi đến chỗ công việc thì không thể trông được. Chả
nhẽ lại ngồi thụp xuống hè, lấy răng nhổ chiếc đinh còn lại, rồi lấy đá củ
đậu ghè? Nhưng đóng nhờ hàng guốc thì không thể được! Thanh không cần
phải nghe câu nói mát của họ mà chỉ bị họ đưa mắt cũng đủ gai người.
Một đồng hai bạc tiền học trò giả. Đôi dép cũng chỉ đóng hết đồng hai
thôi! Thanh tính mãi, nghĩ mãi... Cuối cùng Thanh phải lấy món tiền đó giả
tiền tháng nhà. Thanh đã chọn những đồng hào bạc cũ xỉn và tiền xu mà giả
cho mụ đội Nhị. Còn đồng bạc mới, Thanh đưa lại cho bà Ly để đong gạo.
Trước hôm đưa lại đồng bạc, Thanh gói vào cái khăn tay để ở dưới gối.
Thanh cũng không đám đưa cho Ngơ giữ và cũng không để nó cầm lâu.
Còn Ngơ, mặc dầu rất sợ Thanh nhưng thấy đồng bạc nó liền nắm lấy từ
trong tay Thanh, rồi lật đi lật lại, hết gại vào cạnh, lại giơ soi hình người,
rồi lại lật đi lật lại, cân cân trong lòng bàn tay:
- Đồng bạc đấy nhỉ. Tiền này tiêu lâu hết hơn nhỉ? Còn tiền nào quý
hơn, tiêu được lâu hơn không?
Thanh không giả nhời, cất tiền đi. Thanh cũng ngơ ngẩn mất mấy
ngày khi đồng bạc nọ đưa lại bà cụ Ly, còn chỗ tiền hào tiền xu thì mẹ đội