cho con bú và thổi nấu miếng cơm nóng canh nóng mà ăn... Rồi lại phải đòi
tăng lương, để còn có đồng mà chuộc côngta, mà dành dụm lúc giở về quê
hương bản quán, mà may cho bố mẹ, con cái manh quần tấm áo, mà cho
con cái đi học lấy vài năm cho biết đọc biết viết. Ở cái sở Xi măng này, anh
em sẽ đường hoàng nghỉ ngơi ăn uống; anh em sẽ ngồi ngay bên những gốc
cây ngoài bờ sông, ngồi ngay ở cổng sở, bàn chuyện đọc báo với nhau. Và
báo của mình sẽ đăng những bài của thợ thuyền đòi chủ phải tăng lương,
đòi chủ phải bồi thường cho gia đình những người bị tai nạn lao động, đòi
cả đốc lý, thống sứ phải thi hành những quyền lợi của lao động, của dân
chúng...
Sấm đi hẳn ra ngoài đầu cầu thang. Tấm cờ đỏ từ năm 1930 kéo lên ở
giữa khu lò nung và máy điện cho đến nay Sấm vẫn chưa biết là anh em
nào kéo, lại phần phật trong tâm trí Sấm. Cái tờ báo bằng khổ giấy học trò,
chữ in thạch mờ nhòe, vẽ hình búa liềm và lấy ngay tiếng Ximoong làm tên
báo, lại mở ra dưới mắt Sấm. A! Tờ báo bí mật ra được ba số thì phải
ngừng lại này! Không! Rồi đây những thợ thuyền Sở xi măng và tất cả thợ
thuyền Đông Dương sẽ ra hẳn những tờ báo in ở nhà in, phát đi các nơi, để
mà đấu tranh...
Không thể nén được, tâm trí Sấm kêu hẳn lên:
"Anh chị em lao khổ ta ơi! Miếng cơm chín, tấm áo lành của chúng ta,
chúng nó không thể bóc lột được mãi! Trên đầu trên cổ chúng ta, chúng nó
không thể cưỡi lên được mãi! Tự do, cơm áo, hòa bình... Đông Dương chưa
làm được cách mạng như công nông binh Nga Xô viết thì cũng phải đấu
tranh thực hiện cho được những điều cấp thiết kia giành lại với bọn tư bản,
bọn đế quốc... Tự do... cơm áo... hòa bình... những tiếng nghe sao mà như
reo như hát, như sấm sét, vang động kêu gọi vậy?"
Sấm vào cửa lò xem lại lò xong lại ra ngồi uống nước hút thuốc
chuyện với mấy bác cuydơ già và mấy người bạn phụ lò. Tan tầm, Sấm rẽ
sang máy đá để hỏi tin tức Cam. Cùng đi lối ấy để về trong xóm, có mấy