Vậy mà ban ngày mẹ vẫn phải đi làm... Trước những luồng gió đánh bạt cả
người, mẹ Nghĩa vừa đi vừa xuýt xoa. Bụng mẹ thì chói, chân thì mỏi,
buốt.
Mẹ Nghĩa không bị tê dệt như mẹ La. Nhưng cứ khi nào mẹ sốt thì
chân mẹ lại đau. Cái nước Hải Phòng này thế mà cũng độc. Mẹ đội than chỉ
vấp cọc, sứt da, bùn bám vào một tí mà cũng hóa sâu quảng. Đắp hàng trăm
thứ lá mãi sau mới lên da non, kín miệng. Mẹ đã tưởng mất đứt cái chân.
Mẹ lên nhà thương hàng mấy tháng, đến phát chán phát sợ. Chính mẹ cũng
ghê cả người vì mùi thuốc vàng, thế mà cứ vác cái chân đến các chỗ người
ta ngồi nghỉ ngơi, ăn uống, thì ai người ta chịu! Nhưng có là hủi đâu mà
phải trốn, phải lẩn. Mẹ còn đau tủi vô cùng thấy mẹ phải ngồi ru rú một
chỗ, không được quần tụ chuyện trò với chung quanh. Chỉ còn cách cưa cái
chân sâu ấy đi! Nhà thương bảo thế. Mẹ đã khổ như vậy mà một hôm thằng
Bảy mề đay sếp bóp Ngã sáu đi lùng hàng lậu, sục vào gốc cây mẹ ngồi.
Mẹ có động đến mồ ông mả cha nhà nó đâu mà nó a lê cusoong đá luôn
mũi giày vào ống chân đương tấy của mẹ, khịt khịt mũi, hét cút lít bắt mẹ
tống đi trại hủi. May mà mẹ thuộc các ngõ ngách, mẹ cắn răng chạy thục
mạng vào bãi xếp sắt "xà gồ" của nhà Đétcuacabô, sau nhờ được người làm
bắc tê dắt về nhà... Đêm ấy mẹ Nghĩa lại sốt, luôn mấy ngày không ăn uống
gì, người cứ mê man, nóng như hòn than...
Mãi đến năm kia cái chỗ chân ấy mới khỏi. Chỗ sâu hoắm lại bằng
đồng bạc, xương bị ăn thối chỉ còn mọng mọng những gân với da. Hễ mẹ
bước mạnh thì lại đau xóc như bị điện giật. Nhất là khi giời rét. Buổi sáng
có sương, đặt bàn chân xuống đất thì buốt thúc lên tận óc. Nhiều lúc mẹ đã
phải quấn mấy lần giẻ vào chỗ ống xương bị sâu và lồng hẳn hai chiếc bít
tất, đi chiếc giày vải tầm đại của người ta vứt ở kho, trông như mẹ ngộ mẹ
dại, mà vẫn cứ phải làm. Không thế thì rét buốt không chịu được, lên cầu
xuống cầu, đội thúng than cứ chực khuỵu xuống...
- Lại rét ét ét...