Mẹ Nghĩa xuýt dài một tiếng. Một luồng gió xé lên, quạt qua mặt mẹ.
Những đốm lửa li ti ở cái nồi than nướng ngô bay lên nổ lách tách. Khói ở
mấy gian bếp gần đấy ùa lại làm cay cả mắt. Mẹ Nghĩa vội quay mặt đi, dụi
dụi mắt. Bước luống cuống, mẹ vấp một cái đau điếng cả bên chân bị sâu
cũ. Mẹ Nghĩa phải đứng lại bóp bóp chỗ chân đau. Mẹ lại chợt nghĩ đến
những câu chuyện vừa bàn tán với bà cụ Xim và cả những câu chuyện mà
lâu nay anh em nói với nhau ngoài Kho, những lúc làm việc nghỉ uống
nước, những tầm trưa, tầm tối chờ dỡ hàng có người đem báo ra đọc. Chính
phủ bình dân, lao động... thợ thuyền đấu tranh... Rồi đây sẽ cùng nhau lên
đời xã hội... Cái đời vô sản sẽ được cất đầu mở mặt. Bao nhiêu là điều hay!
Nhưng thôi, sẽ sung sướng như thế nào, mẹ không dám mong ước nhiều
quá, mà mẹ chỉ muốn hẵng làm ăn sao cho đỡ vất vả cơ cực, mẹ con được
lành lặn no ấm, nhỡ có ốm đau có chết thì có hội, có phường, có quỹ tương
tế... Còn như sau đây lên cái đời xã hội, thợ thuyền sẽ toàn quyền mọi thứ,
thì mẹ cũng chỉ muốn được vào cái nhà thương như nhà thương của Tây ở
gần Cầu Ngự kia kìa, mà chữa cho tuyệt cái chứng ngã nước. Rồi mẹ sẽ
được hấp điện cái chân như nhà ông ký Bưởi ấy, cho khỏi phải cứ mùa rét
lại đeo dây buộc túm, đi khập khà khập khiễng, trông khốn khổ khốn nạn
cả con người. Khỏi bệnh, khỏi tật, và được thấy thằng Nghĩa cũng có công
ăn việc làm tử tế, đời sống cho ra đời sống, thì mẹ làm việc cho xã hội cho
đến già cứ đội mãi than cũng được....
Mẹ Nghĩa đứng lại. Ai kia như con cái Lê vậy? Đúng rồi! Cái Lê tong
tong cõng con bé nhà chị Xim đến. Tóc tai nó lòa xòa như tóc tai con điên
con rồ. Chiếc áo phong phanh buột cúc, bày ra hết cả ngực, cả bụng. Mẹ
Nghĩa giữ cái Lê lại:
- Lê! Giời rét sao mày ăn mặc thế này?
Mẹ kéo vạt áo của nó lại, cài cúc. Cái áo bằng sát si trắng hẳn hoi của
Dậu may cho thằng La đem về, cái Lê mặc vừa rộng vừa dài, còn mới mà