- Ninh gì thế này, u?
- Tao mua được miếng sườn ninh với khoai sọ đấy.
- Bao nhiêu? U lại mua chịu?
- Bao nhiêu thì bao, con này đến hay lục vấn!
Xuống bếp thấy trên kiềng vẫn còn nồi đun, những mẩu củi vẫn lom
nhom lửa, Xim soi đèn mở vung nồi ra xem:
- Lại cá kho nữa này!
Những con cá diếc bằng hai ngón tay đã khô cong, bốc mùi đậm đậm
bùi bùi với mùi riềng vừa ngọt vừa cay. Xim toan gọi mẹ lại thôi. Trên nhà,
bà cụ Xim lẩm bẩm:
- Đã đi về vất vả lại còn giằng lấy xuống bếp. Có cái áo len bảo mãi
cũng không chịu tháo ra thuê người ta đan lại cho. Có gì tháng sau phải làm
cho nó tễ thuốc mới được. Kinh cứ thấy không đều, nhiều kỳ lại chuẩn
hàng tháng, mùa rét này làm kíp đêm không khéo lại ốm mất!
Con cháu vẫn khò khè trên cánh tay bà. Cái chân cái tay nó mềm mại
ấm áp. Chẳng khác gì con mẹ nó ngày còn bé. Nhưng ngày con mẹ nó cũng
lên ba ấy thì làm gì có được người bế ẵm cho ăn cho uống như bây giờ. Mẹ
nó phải gửi đi ở con nuôi mãi dưới Đông Khê. Hàng tháng, đến kỳ tiền
lương mẹ con mới lại được gặp nhau. Người u nuôi con mẹ nó cũng có một
đứa con lên ba nhưng bỏ mất. Nhà chồng đi lưới, vợ đan. Người u nuôi
đóng một cái cũi tre thả con bé vào trong cũi với manh vỉ buồm, mấy củ
khoai, mấy nắm bỏng bộp. Tuy u nuôi cũng thương cũng quý con nuôi
nhưng nhà chồng nhiều việc quá, bác ta ngơi tay đan lát thì phải chợ búa
thổi nấu, cám bã cho lợn, nên cũng không chăm con nuôi được cẩn thận.
Nhiều khi con bé ngủ ngay bên bãi ị ở trong cũi. U nuôi đi chợ về chỉ lấy
cái quần rách lau láy qua rồi lại đặt con bé ngủ một mình ở ổ rơm. Con bé