được ăn một năm đã phải thôi bú. Không phải chỉ khi ở với u nuôi mà ngay
cả khi ở với mẹ đẻ, con bé cũng gần như là nuôi bộ vậy. Ngày ngày mẹ đi
làm từ tinh mơ đến tối mịt. Đã thế mẹ lại ít sữa. Rồi ở với u nuôi thì ăn cơm
nhá nhót. Lên bốn con bé mới chập chững đi. Ngày Tết, ngày giỗ mẹ đẻ
xuống đón, dỗ cho bao nhiêu là quà mà cũng không theo...
Cảnh làm ăn đi về đầu hôm sớm mai, con thì lạ hơi bố, chó chẳng nhớ
mặt chủ nhà, hết mẹ chịu khổ hàng hai, ba chục năm giờ lại đến con... Nếu
không đấu tranh được cái luật lao động thì dễ thường đến đời cháu đời chắt
cũng vẫn đầu tắt mặt tối như thế. Ngày làm tám tiếng... không bị cúp phạt...
tăng lương... lập hội lập phường... từ đây tuy phải bán mồ hôi lấy miếng
cơm manh áo nhưng mà còn có giờ giấc, còn được ngày nghỉ mà gội cái
đầu, mà tắm giặt, khâu vá, còn được học, được cầm tờ báo quyển sách đánh
vần mà đọc, còn được chơi với con với cái... còn được...
- Phải làm cho con mẹ nó tễ thuốc nó uống.
Ý nghĩ đó lại nhắc lại. Bà cụ Xim tính nếu Xim được tăng lương thì
mỗi tháng sẽ thêm đồng rưỡi, đồng sáu bạc. Chén thuốc có cắt toàn vị bổ
đắt tiền thì cũng hai đồng là cùng. Bà cụ sẽ vay thêm năm đồng mà cân cho
Xim lấy bốn chén. Đến phiên chợ dưới làng, bà cụ sẽ mua vài chục trứng
gà, mua ít ngó sen, bắt Xim ăn mỗi sáng hai quả luộc lòng đào, còn ngó sen
thì nấu với sườn cho Xim đi làm khuya về ăn. Còn phải đan lại cái áo len
và nhuộm lại nữa. Cần nhất cái ấm. Nhưng kể ra thì cái gì cũng cần cả...
Lại còn con bé con nữa. Con bé mà được lấy trăm viên thuốc bổ tỳ của cụ
lang Kính Xanh thì chắc sẽ bớt gầy, bớt quấy...
Nằm lâu lắm, con cháu đã ngọ nguậy, cái đầu húc húc vào ngực bà, cái
chân duỗi duỗi đạp vào lòng bà. Bà đã ê ẩm cả bên tay và bên đùi nhưng
không dám trở bên cháu mà chỉ lựa lựa kéo kéo cái chăn để kê đầu gối cho
cao. Bà thì đỡ mỏi, cháu vẫn nằm yên. Nhưng cái cháu không chịu. Nó đạp
đánh thịch một cái rồi bật khóc. Xim tay nồi cá, tay nồi ninh bưng lên nhà.
Xim đặt xuống dưới chân giường, không kịp lau tay ướt: