bổng. Dâng nhìn cái lưng Xim cũng thấy khom khom. Gương mặt của Xim
vừa hiền hiền vừa buồn buồn. Đôi mắt, cái miệng chịu thương chịu khó
thùy mị. Nhưng mà, ai bảo đã con thơ tã quấn thì không làm gì được? Ai
bảo hiền lành chậm chạp thì cứ chịu khổ chịu nhục? Ai bảo chữ nghĩa kém
thì không thể cáng đáng được công kia việc nọ? Càng nhìn, càng nghĩ,
Dâng càng thấy lạ, thấy quý, thấy mến Xim.
Chính Xim cũng đã nghĩ như Dâng. Khi thấy nói bà con anh em cử
mình đứng ra làm đại biểu thì Xim cuống lên. Những việc nào nặng nhọc
hay phải chịu đói chịu khổ đến đâu Xim cũng không quản ngại. Ngay cả
đến bị bắt bị tù đày cũng thế. Nhưng đây thay mặt ăn nói đối đáp cho cả
nhà máy, cho hơn bốn nghìn bà con anh em thì Xim không bao giờ dám
nghĩ tới, cũng không bao giờ dám thấy mình làm được. Nhưng bà con anh
em cứ một mực cử Xim. Ông cụ bạn với ông cậu Xim và quen cả mẹ Xim
giờ làm ở nhà điện, trong buổi họp đã để đến cuối cùng mới vẫy cái tay lên
nói:
- Tôi là tôi tín nhiệm cô Xim đấy. Cả mấy ông ở chỗ tôi cũng tín
nhiệm hết. Chúng khẩu đồng từ thì nhà sư cũng chết! Đây chúng khẩu đồng
từ không có sư mô nào chết cả... mà là cử người trung hậu tin cậy để đi đấu
tranh... Nếu có chết thì là chết cái két bạc nhà máy gửi ở nhà băng, nó chết
nghẹn chết tức vì phải nhả bớt tiền ra cho cu li, cho thợ...
Trông ông thợ điện già, trông bà con anh em chăm chắm vào mình,
Xim càng lặng người đi nhưng trong tâm trí lại càng bừng bột... Xim và
Cao đã đưa bản yêu sách lên bàn giấy của chủ. Ba giờ chiều hôm qua chủ
mới cho người ra mời đại biểu. Người thư ký của chủ bảo:
- Ông chủ đồng ý gặp đại biểu của anh em. Nhưng ông chỉ muốn gặp
ít người thôi. Nhà máy nhiều cu li con gái thì nên cử bốn năm người, còn
thợ và cu li đàn ông ít thì nên cử một hai người thế mới... dân chủ!
Các đại biểu bàn với nhau. Cao đứng ra nói: