Lê Thị Minh cưới Đào Xuân Hồng cũng không ở Hải Phòng mà lại lên
Hà Nội. Đám cưới đi, đàn ông hai họ lại đóng khung toàn thể lễ phục sì
mốc kinh, còn đàn bà hai họ toàn đồ hàng cẩm châu, nhung, len, dạ, xa
tanh, gấm. Ăn ở ôten Con gà vàng. Trong bữa tiệc có đến sáu người đọc
chúc từ, và khi đôi lứa uyên ương đứng lên đáp từ, ban khánh tiết cũng lại
thả một đôi bồ câu trắng cho bay ra ngoài trời bảo rằng "cẩm" như nghi lễ
văn minh phương Tây... Cả đứa con gái Tây của Lê Thị Thảo cũng bế đi dự
tiệc cưới. Người cha hai lần "ghẻ" của đứa bé đón nó từ trong tay người vợ
mới, bồng cao nó lên, hôn đi hôn lại.
*
Nếu như chị em bà chủ xưởng dệt Lê Thị Thảo Minh đã vui mừng vì
năm xưa chỉ có một lần đến cái nhà báo công khai kia, chuyện tào lao mấy
câu để thử trình độ văn hóa chính trị của mấy cựu chính trị phạm hoạt động
"chúa là mắc cái bệnh tếu của tiểu tư sản", và chỉ đã mua giúp cho mấy
cuốn sách loàng nhoàng, thì cái nhà chị Xim góa chồng, người bé nhỏ, gầy
yếu, buồn rầu mà chị em xưởng thêu rua gọi là chị Bé hay chị Hiền ấy,
cũng rất mừng vì cũng có một lần chị gặp hai bà nhưng cả hai bà đều không
nhớ ra chị. Quý nhất là bà chủ Lê Thị Minh, cho đến nay cũng chỉ biết chị
là con cu li nhà Máy tơ bị đuổi vì nhà máy giãn thợ, chị ốm yếu, chậm
chạp, con thơ con mọn, bà thương tình cảnh nên cho vào làm ở xưởng bà.
Còn một lẽ nữa là bà muốn tỏ ra vợ chồng bà đều là những đầu óc "xã hội",
được nhà cầm quyền vì nể, khác hẳn với những loại chủ tẹp nhẹp xoàng
xĩnh.
... Giữa cái không khí của xưởng làm việc tuy cửa mở đằng trước, cửa
mở đằng sau và có một hàng hiên rộng bắc giàn hoa lý nhưng vẫn ẩm ướt
mờ tối, và lúc nào cũng như có những tiếng nói liên liến nếu không lại là
những tiếng cười khanh khách của bà chủ Lê Thị Thảo Minh, Xim càng
thấy trong đầu buốt nhức. Không phải chỉ vì hôm nay là chiều thứ bảy và là
chiều thứ bảy cuối tháng mà không một chị em nào không đương như có