chánh sứ già Kiến An, hồi còn mồ ma thừa Minh, và lão chánh sứ còn làm
ở Quảng Yên, thừa Minh vẫn dắt khách kiếm lễ cho lão sứ ấy. Tất cả dinh
cơ và xưởng dệt là tiền của lão sứ và các món bổng mà Minh cùng Thảo
kiếm được. Lão sứ về Pháp được ít lâu thì chết. Trước khi chết, lão đã nhờ
người mua số máy dệt gửi sang cho vợ cho con. Cáo phó của lão đăng trên
một tờ báo ở Pháp và trên tờ báo Thời sự Hải Phòng của Đờvanhxy tuần
trước, thì tuần sau Lê Thị Thảo cưới chồng.
Thấy nói chồng của Lê Thị Thảo vừa là một nhà trí thức, một kỹ nghệ
gia và một cựu chính trị phạm. Y đỗ bằng Đíplôm, bị bắt ở Kiến An vì dính
líu vào một vụ phát truyền đơn, năm một nghìn chín trăm hai mươi chín kết
án mười năm cấm cố đày đi Côn Đảo. Năm một nghìn chín trăm ba mươi
sáu y được tha về chuyến đầu tiên. Trong tù, y chỉ toàn ốm, kêu đau tim
nặng, cuộc đấu tranh nào anh em chung quanh cũng phải đẩy y như đẩy xe
bò đá lên dốc và phải xốc y như một cái xác tải. Về nhà được vài tháng, nào
tiêm thuốc tây, uống thuốc bắc, nào đi nằm bệnh viện riêng của đốc tờ Tây
trên Hà Nội, đoạn y đi làm ngay. Y chung với một người làm đại lý cho nhà
Máy tơ Hải Phòng rồi gọi cổ phần mở xưởng dệt. Chủ hiệu may Cần Lao
anh làm mối Đào Xuân Hồng nhà trí thức, kỹ nghệ và cựu chính trị phạm,
bạn hiểu biết y nhất kia cho Lê Thị Thảo, cô em vừa có văn hóa, có tâm
hồn, có tư tưởng nọ.
Lê Thị Thảo lấy Đào Xuân Hồng được ba tháng thì chết. Lê Thị Thảo
ho lao. Cưới chồng xong Lê Thị Thảo càng đẹp. Dạo phố Hải Phòng, ngồi
trên xe nhà - vẫn cái xe nhà gọng mạ kền, sơn giả đồi mồi mà bà chủ Lê
Thị Minh thường ngồi đi phố hiện nay - Lê Thị Thảo tựa lưng vào cái đệm
bọc cẩm châu hoa đào, mặc bộ quần áo lụa Quảng Nam, tóc búi buông lơi,
cổ đeo chuỗi hột ngọc, dạo phố Hải Phòng, đã làm nhiều tay nhà buôn, tay
làm ở Đốc lý, ở tòa án, kẻ có vợ, kẻ góa vợ hay chưa có vợ, đều tiếc rẻ
mình chậm chân quá và không chịu khó tìm mối lái tốt!