Chấn có một thằng em rể cùng hoạt động với Chấn những năm 1929-
1930 chính là bố con bé đương ở với Chấn. Thằng này bị bắt trước Chấn, ở
một tỉnh khác. Mấy thằng phản bội khác còn cố chịu vài ba trận, chứ thằng
này vừa bị lôi vào buồng tra của Sở mật thám, dúi đầu xuống cái hòm quay
điện và cái thước đồng ba cạnh, liền xin khai ngay. Nó khai không những
chỉ có tỉnh ủy nó tham gia mà cả mấy tỉnh ủy khác, cả xứ ủy, và thậm chí cả
những nhà quần chúng nó chỉ đến khai hội hay đến lấy liên lạc, tin tức. Nó
đã dẫn mật thám đi từng cơ quan, từng trạm liên lạc, từng cơ sở để bắt
người. Chính hôm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong số những đồng chí xứ
ủy bị bắt lớp trước, bị dong từ Sở mật thám về xà lim án chém ở đề lao, đã
thấy cái thằng Ngô Thượng Dũng ấy đương nhồm nhoàm ăn bánh tây với
bơ, xúc xích, uống sữa sôcôla ngay dưới chân bàn thằng cẩm chính trị. Gần
đấy hai đồng chí tỉnh ủy và một đồng chí cơ sở bị xích cả chân lẫn tay,
quần áo rách như bị xé, nằm hoi hóp ở góc tường để chờ đối chất với thằng
Dũng. Cái mắt, cái mặt thằng Dũng đã quýp lại, gằm hẳn xuống, khi hai
thằng mật thám xốc nách đồng chí Cảnh đầu quấn băng, mặt bết máu, chỉ
còn da bọc xương, lết người đi qua.
- Hay tổ chức lại đặt vấn đề về ta vì thằng Ngô Thượng Dũng đây? A!
Cái thằng giống chó, nó đã cuốn gói đưa vợ nó vào Sài Gòn làm cho hãng
cao su Misơlanh ngay từ ngày sắp nổ chiến tranh, bỏ lại con nó cho mẹ ta
và ta, không hề có một chữ, một lời thăm nom nào cả từ bấy đến giờ!
Chấn dộng dộng gáy cuốn sách Bệnh sốt rét và những hậu quả của nó
xuống cả mu bàn tay mình. Tai Chấn nóng lên. Trong đầu và trong ngực
Chấn lại như có một lưỡi dao, một mũi dùi nung nhói vào. Thấy mắt Chấn
quăng quắc, lặng hẳn đi, Xim chớp chớp mắt, quay trông ra sân. Chợt Chấn
mỉm cười. Chấn vuốt vuốt những sợi tóc trên cái trán hói, nhìn hẳn vào mắt
Xim nói:
- Tôi không viết gì cho thằng Ba cả. Cô Xim chỉ bảo với nó đừng
tưởng tượng và lo ngại quá về sức khỏe của tôi. Trong banh khổ sai, trong