- Không, tao trả lời rất cụ thể và hành động một cách thật "thực tiễn"
và "cách mạng" đấy chứ!
- ???
- Cũng như mày đã đuổi ra khỏi xưởng và cho chết đói dần hơn nghìn
cu li già yếu ở nhà máy của mày, dưới danh nghĩa là bảo vệ sự hưu dưỡng
cho công nhân!... Cũng như mày đã lập danh sách nộp cho Sở mật thám bỏ
tù hàng xốc thợ sau cuộc đình công diễn ra ở nhà máy mày tháng trước!...
Còn tao, tao xóa đi hai cái bóng nhơm nhếch kia là để tránh thoát cho cái
mặt đất này khỏi phải chứa hai cái miệng ăn không làm lợi lắm, vừa cũng
để hóa kiếp sớm cho hai đứa khốn kiếp. Vì... trước sau, chúng nó cũng bị
xóa như thế. Vì... tất cả những tên nhà quê cùng kiệt ấy chúng nó rồi đây sẽ
chỉ còn là những con vật ăn hại làm phiền cho người ta và đều sẽ phải xóa
bớt đi bằng cách này hay cách khác trong cuộc chiến tranh này.
Chỗ người mẹ mù và đứa con trai dắt nhau đi lên phố bán cáy ấy cách
cầu sông Lạch Tray lối đi vào thành phố vừa đúng hai cây số. Một lúc sau,
người trong làng và người đi đường mới quây đến, thất kinh, rọi đèn thắp
đuốc chung quanh hai cái xác vỡ toang cả đầu, óc tung tóe như óc đậu, như
gạch cua. Giữa bãi máu chảy vũng một mặt đường trũng, vương ra một
mảnh yếm nâu rách, một dây chuối khô làm thắt lưng, mấy đồng trinh Bảo
Đại và một bị gạo. Trong đám người bàn tán ầm ĩ này, có một người chỉ
ghé vào nhìn qua, rồi không nói năng gì đi đến một gốc cây gần đấy, lặng
đi...
Người đó là ông ký Thái.
Lúc ông ký Thái choáng váng đi ra ngồi ôm đầu ở gốc cây cách xa xa
đấy, có một người đàn bà bé nhỏ vừa vun vừa bốc mẻ gạo tung tóe ra
đường vào cái bị, vừa rấn rấn nước mắt. Bỏ lại chỗ gạo và hai đồng trinh
bết máu, người ấy xách cái bị đặt bên mình người mẹ, kéo xác đứa con lại,
lấy cái khăn vuông của mình che cho cả mặt mày đầu tóc hai mẹ con xong,