bỏ đây mà đi. Chứ dù trời long đất lở hay có xảy ra sự gì khó khăn bao
nhiêu chăng nữa, mẹ cũng phải chịu, cứ bám lấy chỗ này mà giữ mối cho
Tổ chức.
Đến nhà bà cụ Xim, tuy mẹ La đã đi hẳn một lối khác, vừa vòng vèo
vắng vẻ, nhưng mẹ vẫn thấy bâng khuâng ngào ngạt trong người thế nào
ấy! Đây cái xóm Cấm, cái con đường đá ngõ cô Ba chìa, cái nghĩa địa và
bãi lấp đằng sau hồ Thiên Nga nơi mẹ đi về mấy chục năm kia, đúng là vẫn
rành rành ở trước mặt mẹ La. Đi dưới một rặng xoan tây và qua nào ruộng
nào bờ đầm chẳng gặp một ai quen biết, mẹ La vẫn tưởng như là có từng
ngõ, từng cột đèn, từng nhà, từng vòi máy nước, từng chõng hàng, từng mẹt
quả và từng gồng gánh, từng người thân thuộc vậy.
Sắp qua bờ ruộng cuối cùng đi vào ngõ bà cụ Xim, mẹ La phải đứng
lại trông trước trông sau. Một là mẹ cẩn thận, hai là mẹ muốn không phải
hỏi thăm ai cả mà cứ đến tận cửa rồi vào hẳn trong nhà, khiến bà cụ Xim và
cái Lê nhìn mẹ chỉ kịp à lên, không hiểu tại sao mẹ tìm đến nhà giỏi như
thế?
Các giậu duối, xương rồng, ô rô đã ngả bóng rợp bên đường. Mặt trời
sau những bụi tre và những hàng cau chiếu rực xuống những sân đất rắn
đanh. Chim học trò hót cứ lanh lảnh trong các vườn. Mẹ La không bị con
chó nào dồ, sủa, hay gặp một ai phải chào hỏi. Mẹ vào nhà, đến bên giường
bà cụ Xim đang đắp chăn trùm kín.
- Bà ơi! Bà ốm yếu ra sao mà ngủ mệt thế này?!
Mẹ La nhẹ nhẹ kéo chăn, rờ rờ trán bà cụ Xim:
- Các cháu đâu hở bà?
Bà mẹ Xim he hé mắt vì chói và cũng vì choáng, bà cụ không còn đủ
tâm trí để nghĩ tới sự đường đột và liều lĩnh của mẹ La. Bà cụ rên khe khẽ: