Cả Hải Phòng, đàn bà trẻ con, ông già bà lão, người ốm, người mù,
người què ùn ùn, dắt díu, bồng bế nhau chạy cùng với những bồ hàng,
những gồng gánh, quà bánh, những đùm, những gói quần áo đồ đạc, chó,
mèo... giữa những lớp xe kéo, xe đạp, đâm chúi bổ dụi vào nhau, chửi bới
nhau ầm ĩ, và những ôtô hàng và cam nhông rúc loạn còi như những con
vật bị săn đuổi cuống cuồng, kêu rống, kêu rít.
Phải! Đúng máy bay Mỹ đã đi rồi. Hay dù còn bay trở lại đánh Hải
Phòng nữa, thì cũng cứ phải đến xem cho biết những chỗ trúng bom như
thế nào đã... Ở bãi Quần Ngựa có quân Nhật đóng. Sau bãi Quần Ngựa là
đầm là ruộng rồi đến làng An Đà. Làng An Đà có xóm ngoài là xóm bà cụ
Xim ở nhờ, xóm mẹ La gửi cái Lê, xóm mẹ La lén lút đến thăm. Cái xóm
hầu hết đàn ông, đàn bà, trai gái lanh lẹn, sắc sảo đều đi làm ngoài bến Sáu
Kho ấy bị bỏ bom cháy nhiều nhà nhất và cũng chết nhiều người nhất.
Gian bếp mẹ La cùng cái bé Xim ngồi như bị thổi đi đâu mất. Cả
khoảng sân đất và những bụi duối ở đằng sau đều trụi, sạm như than. Người
mẹ La và cái bé Xim cũng cháy như thế. Hai xác như bị ép, bị hun khói đen
lại từ lâu rồi, nhưng chỗ bụng vẫn ri rỉ máu với mấy vết nứt sâu, mỡ vàng
nhớt. Mẹ La nguyên vẹn hình thù nhổm lên, quỳ ôm lấy bé Xim, nó gục
mặt vào mỏ ác của mẹ. Hai người dính chặt lấy nhau thành một thân thể có
hai đầu, hai mình và tám chân tay. Và không có quần áo, có tóc, có mắt gì
hết. Cả hai bộ mặt chỉ còn bốn hốc mắt, hai hốc mắt của bé Xim như ngủ
lim dim thiêm thiếp trên ngực mẹ La, còn mẹ La thì nhìn trân trân, như hút
lấy giời đất, cảnh vật, mà như muốn gọi, muốn nói với mọi người trước mặt
mình.
Gia đình người hàng xóm bà cụ Xim cũng chết gần hết vì hơi bom. Cả
bốn mẹ con và người bố chồng già yếu bị tê bại chết ngay ở quanh mâm
cháo ăn trừ bữa. Còn lại thằng bé út mới lẫm chẫm biết đi đòi ăn vã cà mặn,
mẹ cốc cho một cái dỗi bỏ ra ngoài là sống.