vàng giả với những mặt thủy tinh mà con gái hàng phố chỉ bỏ ra năm bảy
hào hay già lắm một đồng bạc cũng có thể mua được ở bất kỳ hàng "vàng"
nào đầu đường giữa chợ.
Đám khách có bà đã đeo chuỗi hạt to gần bằng cỗ tràng hạt của các bà
vãi, bà mụ, quấn hai vòng ở cổ, lại còn đeo dây chuyền với một quả tim
nạm ngọc thạch rất to. Có bà cổ tay đầy ngộn đủ cả xuyến, vòng, lập lắc;
riêng chiếc xuyến nếu đem cân thì nhẹ nhất cũng phải một lạng vàng. Còn
nhẫn thì chi chít ở các ngón tay.
Bởi vậy, khi đảo mắt nhìn để so sánh Giáng Hương với mọi người, thì
một bà nọ liền rít lên, chửi thầm:
- Cha mẹ tiên nhân chúng nó chứ, người năm bẩy đấng của chín vạn
loài là thế này đây! Nếu mình cũng như con mẹ Thy San, chỉ sơ sài đôi hoa
chiếc nhẫn và sợi dây, thì chúng nó cũng bảo đồ của mình đáng giá hàng
ngàn, hàng vạn ngay, dù mình có đeo toàn đồ giả chăng nữa!
Bà nọ thật không có một phân vàng nào trên người cả. Đôi nụ của bà
là hổ phách, còn chiếc nhẫn thì bằng thứ gỗ kỵ gió, ông chồng bà dạy học
trên mạn ngược gửi về cho. Bà lại chỉ có một gánh hàng tấm, con dâu gánh
theo đi chợ, dọn vừa đủ một mặt chõng, vậy mà lâu nay cứ nhẹ mãi vì các
thứ vải đều khan và hễ bà bán ra thước nào liền coi như tong ngay hẳn
thước ấy, vì chỉ mấy phiên sau lại lên giá. Bà không thể sao giữ được hàng
hay có tiền mua thêm hàng đành phải chạy vạy, dựa dẫm các bà đang trò
chuyện ở đây, nứa người, giấy người, mà lần hồi rất khốn khổ khốn nạn.
Trong khi Thảo Minh giới thiệu Giáng Hương hết sức trang trọng và
hãnh diện với mấy bà tiếng tăm nhất trong bọn khách, mấy bà khác cứ rình
rình mời nước mời trầu.
- Đấy các bà cứ cãi nhau mãi về các chuyện vàng, kim cương, vải sợi
thời bà Thảo Minh đã về đấy, lại còn được bà Thy San đến chơi...