Toa Thanh cách toa dành riêng cho xếp tanh có một đống hàng mà khi
Thanh lên đã thấy chất gọn. Toàn những hòm gỗ, bao giấy dầu và thùng
kẽm, đựng đường, bột mì, thuốc bắc, hay vải sợi gì đấy của bọn nhà buôn
có quyền, có thế ăn cánh với nhà ga. Khi Thanh lên toa, chưa kịp nhô đầu
vào thì liền tối tăm cả mặt vì không biết bao nhiêu người và bao nhiêu thứ
nhảy, đạp qua đầu Thanh, đè sập, chồng chất cả lên đầu Thanh nữa. Rồi cứ
đến thêm một ga thì cảnh đó lại diễn ra, nhiều lúc còn khủng khiếp hơn với
những người như bị bóp cổ, kêu hu hú, và chính Thanh cũng tưởng bẹp
ngực hay vỡ mất thái dương vì bị đẩy bị lèn, và những đòn ống đòn gánh
quăng ném vào người.
Đã có lúc Thanh tính nước, chờ khi tàu đỗ, Thanh cố leo nóc sang toa
bên, tìm viên xếp tanh, chào y bằng một câu tiếng Pháp rất long trọng, xin
phép y được ngồi ở chân đống hàng cửa ra vào buồng y. Hay không ngồi
như thế, thì Thanh ra đứng ở chỗ bực lên xuống, rồi đến khuya nếu mệt
quá, Thanh sẽ gục xuống sàn, trùm áo đi mưa lên mà ngủ gà. Nhưng thấy
phải làm việc kiểu thế thì hèn, ti tiện con người, nên Thanh nhất quyết cứ ở
yên toa đây với đám vợ chồng, con cái, ông cháu hai gia đình làm mỏ về
mà Thanh đã phải lúc thì kêu hét, lúc thì nói năng khẩn khoản, lúc thì giành
giật để giữ chỗ cho cả họ và mình.
Ban nãy tàu đỗ ở ga Cẩm Giàng cũng lâu bằng ở Hải Dương chờ
chuyến trên Hà Nội xuống. Không hiểu luật lệ kiểm soát của đồn của huyện
đây như thế nào, mà bọn buôn lại càng đông, cứ kìn kìn vừa chuyên những
đống ró, bị, bao gạo này lên xong, lại tiếp ngay những sọt, bì, lồ muối kia
xuống. Không mắc điện, nhưng ở dãy hàng phố chợ, cửa ga và ngoài ghi,
đèn ba dây, đèn cây, đèn bão, đèn đất thắp như có hội. Lính khố xanh, lính
cơ, lính đoan và phu khuân vác, phu kíp cùng dập dìu ở các hàng cơm,
hàng phở, hàng nước với con buôn. Thành thử lối vào sân ga chỉ có khách
thường là phải chầu chực, còn các ả các mụ chạy hàng cứ đều đều đi lại ra
vào, tựa như chính các lính các phu nọ phải canh giữ, thu xếp các việc
chuyên chở cho họ.