Những hàng bánh giầy, giò, chả, xôi nén thịt gà, trứng luộc thay nhau
chìa cả thúng mẹt vào tận mặt người trong toa với những bầu đèn cháy
ngụt. Thanh cũng như bọn người rách rưới, chúi rụi nọ không dám nhìn
qua, nhất là bắt nhời kẻ mời chào mình. Tuy Thanh cũng mệt vì cả ngày
nay đằng đẵng cuốc bộ, chỉ được tấm bánh đúc ngô và bát canh bánh đa ăn
buổi sáng, buổi trưa. Và đến giờ, Thanh vẫn chong chong mắt, không sao
chợp được.
Thanh ngồi trên hai ró to đựng cám gạo xay, trước mặt là một chồng
những bao quần áo cũ. Thanh có thể gục mặt lên mà thiu thiu, nếu không
chịu làm hẳn một giấc. Có phút gió quá, buốt lọng cả mang tai, Thanh đã
giở áo đi mưa trùm đầu hé hé nhưng rồi lại phải tung ra để lại nhìn hai bên
đường và phía trước cho đầu óc đỡ ngột ngạt.
Trừ mấy quãng phố xá đặc biệt như trên, còn hai bên đường và phía
trước, Thanh cũng chỉ thấy thoang thoáng những mảng tối đen của cây cối,
làng xóm, tha ma mộ địa và những vệt sao mờ tỏ vùn vụt. Vì thế, nhiều lúc
Thanh phải đứng hẳn lên để tầm mắt vượt qua những đống những chồng
hàng giam hãm mình.
Nhiều nhất vẫn là gạo. Những ró gạo tám thơm và gạo nếp xếp khít
nóc toa. Đã thế, lại còn người nằm người ngồi để trấn giữ. Muối tuy không
nhiều bằng như thế nhưng ở các gầm ghế, và ở cả trước mặt, trên đầu
Thanh đều nồng lên mùi mặn tanh mặn nhờn. Trong người Thanh càng
thêm bồn chồn và nóng ngốt. Cảm tưởng bị nhốt trong một thứ hầm, một
thứ xà lim rất lạ càng thấy nặng thấy rõ. Một thứ hầm xà lim di chuyển
bằng bánh xe, người bị nhốt không mặc áo số tù, không thành án, không
mang xiềng chân và hai tay bị còng xích.
Phao dầu của đèn hộp kính ở xó cửa đằng đầu toa chắc bị ăn bớt nên
tắt ngấm từ lâu. Bọn đàn ông buôn gạo muối thắp lên hẳn hai ngọn đèn bão
treo trên đống hàng của mình. Sau khi dọn lại cho phẳng phiu, họ trải rộng