giác ngộ, nhận làm việc cho Việt Minh, nếu có thấy tụi Nhật định vây ráp
hay đón đường khám xét bắt bớ ở đâu, thì tìm ngay Việt Minh phi báo,
hoặc làm hiệu báo động để đi lối khác, thậm chí hiến binh Nhật hay bọn tay
chân Việt gian có kèm riết quá, mà người mình mang cả tài liệu võ khí đã
bị lọt vào cuộc vây, thì đánh tráo hoặc tẩu tán các thứ kia đi.
Ăn cơm với Ngọ và vợ xong, Sấm cùng bà Ngọ xoa bóp thêm cho
thằng Quang, vừa hỏi kỹ các chuyện trong nhà máy và bà con thân thuộc.
Về mấy đồng chí và mấy cơ sở, Sấm và Ngọ trao đổi riêng với nhau. Chờ
thằng Quang bớt nóng và bà Ngọ buông màn ngủ, Sấm dặn dò Ngọ mấy
công việc rồi ra đi. Sáng ra, Ngọ sẽ vào xóm trong, vào nhà máy, vận động
cuộc mít tinh tối nay, cùng với hai đồng chí trong tổ Ngọ làm ở nhà điện và
nhà tháo. Vy nhớn thì đảm bảo phần các nhóm thanh niên trong Tổ chức và
những thanh niên có cảm tình làm ở nhà Máy đá. Phần cụ Vy quan trọng,
nặng nề hơn. Cụ lo việc về các thợ có tuổi, các người thân thuộc ở Lò nung
và ngoài bến trước đây đã tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh.
Từ hôm đảo chính đến nay, tuy có rải truyền đơn, truyền nhau báo
Cứu quốc và các bản hiệu triệu của Đảng trong cả nhà máy và ngoài xóm,
nhưng chưa có cuộc hội họp nào để nghe giải thích kỹ về tình hình của địch
và chính sách của ta, hay mở một cuộc mít tinh quần chúng đấu tranh đông
đảo. Hôm qua thì Vy nhớn, tối nay thì Ngọ, cùng đề nghị như thế. Cả hai
người vẫn chỉ sợ chủ trương của mình là không sát, là xốc nổi, là quá trớn.
Sau hơn hai năm bị khủng bố gắt gao, các đảng viên lớp cũ của nhà máy bị
bắt, bị tù gần hết, nhiều cơ sở quần chúng bị phá, nên phải bảo đảm lực
lượng và hoạt động rất thận trọng với những hình thức rất nhẹ rất khéo để
duy trì phong trào.
Cả mấy khu nhà máy khác, đường phố khác và làng khác ở giáp thành
phố cũng ở tình trạng đó.
Vy nhớn không khỏi hồi hộp khi nghe tiếng Sấm gọi cửa. "Kìa, tối nay
chú ấy còn phải ở nhà tầm trưa mai mình mới đón chú ấy đến cơ mà!".