Nhưng người đã không thể nào tưởng tượng ra, không thể sao ngờ được
việc đột ngột này và không cầm được sự run rẩy là cụ Vy. Khi Sấm nắm lấy
bàn tay to gồ, gân và những đốt xương nổi từng cục của cụ Vy, thì cụ Vy
nhủn tay ra, mắt loa lóa, miệng hớp hớp như người bị hen trong cơn hô hấp
ngạt nghẽn:
- À à... bố Sấm!... Bố Sấm!... Sao... sao... lại về được đến đây thế?!! Ở
nhà vợ mày... ở nhà. Bố Sấm... à à... lại về Xi măng mà làm công làm
việc... mà ... Rồi ông cụ cúi cúi mặt, lại lầm thầm như dạo nào nóng bức
quá, ngồi dưới những vạt đá gần bờ sông, nghe một thứ tiếng o o như ong,
như ve trong đầu, cùng những nỗi đau xót, tủi nhục, căm uất phần phật như
lửa.
- Nếu tối nay ta có được ngủ lại ở Hải Phòng thì ta phải ở nhà với bố
Vy và ông cụ thôi. Giời rét, cái phản ngựa kia, cái ổ bằng bao bì cỏ lác kia,
còn ấm hơn cả giường lò xo nệm nhung! Và bố ơi, nếu cách mạng thành
công thì nhất định con phải theo ý bố về Xi măng mà làm, mà đi về với bố.
Năm nay bố đã bảy mươi hai, bảy mươi ba tuổi còn gì?!
... Chiều hai mươi chín Tết năm Sấm còn là chú thợ nhỏ học việc lúc
về tầm thì thấy ông cụ Vy bế xốc xác một người cu ly máy đá không về quê
được, trốn nợ, ngồi chết đói và chết rét ôm mặt trên xó tằng máy sau lò
nung. Mình trần, khoác tấm bao bì khoét ba lỗ để chui đầu và xỏ tay, hai
tay ghì chặt lấy đầu gối, người nọ phải dằn phải kéo mãi mới duỗi thẳng ra
được, và anh em bà con ta đã cố tìm xem có dấu vết tung tích gì không, thì
tất cả những thứ trong mình chỉ còn giữ có cái thẻ thuế thân rách nát cuộn
vào miếng giấy dầu luồn ở cạp quần. Mấy tiếng người nói ở chung quanh
cứ văng vẳng bên tai Sấm hàng năm năm, hàng mười năm sau:
"Tư bản đế quốc đã giết bác ta... đã giết anh em vô sản ta đấy!"
Chính hình ảnh và câu nói trên đã là những bực thang, những tia sáng
gần như quyết định để Sấm níu chặt và vượt lên trong những cuộc tuyệt